Tháng 11, Mỹ đón tin mừng khi lạm phát (CPI) chỉ tăng 7.1% YoY, 0.1% MoM, thấp hơn đáng kể so với trung vị dự đoán của các tổ chức lớn (vd: Goldman Sachs (NYSE:GS), JPMorgan) là 7.3%.
Với thông tin lạm phát đúng kỳ vọng, FED như dự đoán chỉ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, tăng mức lãi suất điều hành của quốc gia này lên 4.25-4.5%. NHTW này cũng nhấn mạnh sẽ giữ mức trần lãi suất 5% xuyên suốt năm 2023, giữ vững thông điệp đã được đề cập ở cuộc họp FOMC tháng 11.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về quyết định của FED trong cuộc họp FOMC tháng 12 và ảnh hưởng của nó tới Việt Nam, kính mời nhà đầu tư đón xem chương trình Không gian đầu tư số thứ 3 tháng 12 của chúng tôi
Cập nhật ngày 16/12:
Chúng tôi đóng máy video này vào ngày 15/12, trong 1 ngày đó đã có 1 số thay đổi chúng tôi muốn cập nhật như sau:
SP500:
Tới hết ngày 14/12, SP500 phản ứng khá tốt với thông tin từ CPI và FOMC, sau 2 sự kiện trên, SP500 tích lũy quanh vùng 4000 điểm. Tuy nhiên, vào ngày 15/12, SP500 đã có pha giảm điểm rất mạnh, hiện nay đã chạm ngưỡng 3900, là vùng quan trọng khi nó là vùng cản mà chỉ số đã breakout vào ngày 11/11. Index này có khả năng break down khá cao nếu không giữ được mức hỗ trợ này.
Lý do cho phản ứng trên có thể do các tin xấu trong thứ 5 như sau: (1) BOE tăng lãi suất 50 điểm cơ bản, định hướng trần lãi suất 4% (nền kinh tế Châu Âu nhiều khả năng sẽ đi vào suy thoái với quyết định này), (2) Số báo cáo thất nghiệp Mỹ tháng 11 đạt 211k (so với 230k như dự đoán) cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn rất mạnh, là yếu tố xấu cho khả năng kiềm chế lạm phát của FED, (3) doanh thu bán lẻ Mỹ giảm 0.6% MoM (dự báo tăng 1.3% MoM).
DXY:
Sau khi giảm mạnh 1.3% chỉ trong 2 ngày (CPI và FOMC), DXY đã có một cây nến hồi phục, tăng 0.95%. Tuy nhiên, chỉ số này đã có dấu hiệu bị cản ở vùng EMA 5 ngày. Chúng tôi duy trì nhận định DXY phản ứng như vậy là khá tốt với thông tin tăng lãi suất từ Mỹ, có thể sẽ không có nhiều bất ngờ cho chỉ số này trong thời gian tới. USD/VND trong khi đó vẫn giữ ở mức 23.500, không bị tăng trở lại như DXY.