I. BỐI CẢNH VĨ MÔ: SVB, CREDIT SUISSE GẶP KHÓ. RỦI RO HỆ THỐNG NGÂN HÀNG SUY YẾU
Tuần thứ 2 của tháng 3, giới đầu tư toàn cầu ngỡ ngàng khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ. Đây là sự kiện sập ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử của Mỹ, chỉ kém những vụ sụp ngân hàng thời kì Đại Suy Thoái 2007 – 2008. Khi chưa hết bất ngờ về SVB, nhà đầu tư tiếp tục đón nhận tin xấu về Credit Suisse, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới, có “sự suy yếu rõ rệt”. Theo nhiều nhà phân tích, Credit Suisse là phát súng đầu tiên báo hiệu cho rủi ro suy yếu từ hệ thống ngân hàng thế giới.
Nói riêng về Credit Suisse (CS), ngân hàng này đã hoạt động yếu kém trong một thời gian dài. Năm 2021, ngân hàng dính đến 2 scandals liên quan tới Greensill Capital và Archegos Capital khiến CS thua lỗ $6 tỷ, và mắc kẹt $10 tỷ. Với khoản vay $10 tỷ mắc kẹt tại Greensill, đến hết năm 2022, CS mới chỉ đòi lại được 70% khoản nợ này. Sau 2 bê bối, lượng lớn khách hàng đã bắt đầu rút tiền khỏi CS. Vấn đề càng trầm trọng hơn trong năm 2022 do lãi suất tăng cao khiến các khoản đầu tư trái phiếu của ngân hàng bị thua lỗ nặng. Kết năm 2022, tổng tài sản của Credit Suisse chỉ còn đạt $531 tỷ, giảm mạnh 30% so với năm 2021.
Do thuộc nhóm ngân hàng có ảnh hưởng lớn tới hệ thống (GSIB), Credit Suisse đã ngay lập tức được NHTW Thụy Sĩ hỗ trợ thanh khoản $50 tỷ. Một mặt tình trạng hiện tại của Credit Suisse không còn đáng ngại, mặt khác đây không phải là ngân hàng duy nhất chịu ảnh hưởng từ lãi suất tăng cao. Theo báo cáo từ FDIC (Cục bảo hiểm ký thác Mỹ), các ngân hàng Mỹ đang chịu lỗ ~$620 tỷ từ các khoản đầu tư trái phiếu chưa được ghi nhận. Với dự báo lãi suất sẽ neo cao trong năm 2023, DSC đánh giá sẽ xuất hiện thêm những tổ chức tài chính có khó khăn trong hoạt động.
II. CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:
Trong bối cảnh biến động vĩ mô phức tạp, sức đề kháng tốt của TTCK trong nước được đánh giá là trạng thái khỏe một cách bất ngờ. Kết tuần, chỉ số VNIndex xuất hiện mẫu nến Doji cân bằng tại 1045.1 điểm (-0.75% DoD) với thanh khoản gia tăng, thể hiện quán tính tăng điểm ngắn hạn không bị vi phạm.
Áp lực bán xuất hiện trong phiên cuối tuần, nhưng đánh giá dựa trên thanh khoản là không lớn, có thể coi là nhịp điều chỉnh lành mạnh của xu hướng phục hồi. Trạng thái “giữ trận” cũng được hỗ trợ một phần từ dòng vốn ngoại tham gia tích cực trở lại và mua liên tiếp trong tuần, đạt 2.226 tỷ đồng.
Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số lưỡng lự khi tiệm cận kênh trên của xu hướng giảm tuy có phần bào mòn sự bình tĩnh của nhà đầu tư, nhưng là vận động điều cần thiết. Qua đó, giúp chỉ số giữ được xu hướng phục hồi ngắn hạn khi vẫn neo đậu phía trên đường trung bình động ma20 (vùng 1040 điểm).
Đối với một mẫu nến do dự thì xu hướng được đánh giá dựa trên quán tính giá trước đó, DSC kỳ vọng tiếp tục diễn biến từ trung lập đến tích cực dưới dạng “sideway-up”. Chiến lược giao dịch: yếu tố rung lắc là không thể tránh khỏi bởi tác động từ thị trường thế giới; NĐT ưu tiên canh nhịp mua khi điều chỉnh quanh ngưỡng 1030-1040 điểm.
III. NGÀNH NGÂN HÀNG: VIỆT NAM VỚI LỐI ĐI RIÊNG
Cuối ngày 14/3, ngân hàng Nhà nước Việt Nam gây bất ngờ với thông tin hạ một số loại lãi suất điều hành (0.5%-1%). Động lực để NHNN chuyển biến nhanh đến từ việc đánh giá lại cán cân giữa ổn định vĩ mô và đảm bảo tăng trưởng của nền kinh tế. Thứ nhất, dưới mức nền giá hàng hóa (xăng dầu, thép, heo hơi) thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, áp lực lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt và trong tầm kiểm soát; thực tế số liệu CPI tháng 2 tăng 4,31%, thấp hơn dự kiến 4.5%. Tương tự với câu chuyện tỷ giá hối đoái, USD/VND kết tháng 2 ở mốc 23,700 (-0.5% YTD), kỳ vọng tỷ giá tiếp tục ổn định trong 2023. Ngược lại, thông qua dữ liệu thâm hụt về tăng trưởng tín dụng và giá trị xuất siêu 2 tháng đầu năm; có thể thấy, đây là tín hiệu báo động với mục tiêu đảm bảo tăng trưởng GDP 6.5% trong năm nay.
Chúng tôi đánh giá đây là hướng đi phù hợp, và NHNN vẫn có thêm dư địa điều chỉnh lãi suất trong trường hợp Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chuyển hướng nới lỏng giai đoạn giữa năm 2023.
Chủ trương của chính phủ liên quan đến hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp phần nào đã gây áp lực đến biên lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong môi trường chi phí vốn đầu vào tương đối cao. Điều hướng chính sách trên là thông tin tích cực khiến cho ngân hàng cảm thấy “dễ thở hơn” trong kế hoạch hoạt động kinh doanh khi biên thu nhập lãi thuần (NIM) dần được nới rộng. Tuy vậy, chúng tôi đánh giá ở mức độ điều chỉnh này chỉ là động thái xoa dịu thị trường; để kích hoạt dòng tín dụng lớn quay trở lại thì cần một quá trình nới lỏng tiền tệ trong thời gian dài.
Xét vận động giá hiện tại, rủi ro sụp đổ riêng lẻ ở một vài ngân hàng phương tây đang không ảnh hưởng đáng kể đến mặt bằng giá nhóm ngành ngân hàng tại TTCK Việt Nam. Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số ngành ngân hàng vận động tích lũy trong mẫu hình cái nêm thu hẹp kéo dài 2 tháng vừa qua, và khi tiệm cận về “điểm nén” của mẫu hình thì thanh khoản ghi nhận tăng dần thể hiện điểm bùng nổ xu hướng sắp diễn ra. Chiến lược: NĐT không vội vàng, và chỉ hành động khi điểm phá vỡ xu hướng xuất hiện. Trong trường hợp phá kênh giá dưới, điểm mua thăm dò khi chỉ số ngành kiểm chứng tại nền hỗ trợ 160 điểm; Trường hợp phá kênh tăng kèm động lượng thanh khoản kích hoạt, điểm mua bùng nổ xu hướng với kỳ vọng mục tiêu ngắn hạn tại 180 điểm. Cổ phiếu theo dõi hành động: VIB (HM:VIB), MSB, MBB (HM:MBB).