Áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng sau khoảng 1 giờ mở cửa khiến thị trường lao dốc mạnh. Đáng chú ý, số mã giảm sàn đang không ngừng gia tăng và đang lan rộng hơn trong các nhóm ngành.
Sau đợt giảm mạnh trong tháng 4 đã lấy đi hơn 125 điểm, tương ứng tới 8,4%, chỉ số VN-Index tiếp tục chứng kiến những phiên lao dốc mạnh trong đầu tháng 5. Chỉ trong 3 phiên giao dịch trong tuần ngắn ngủi đầu tháng 5, chỉ số này tiếp tục để mất thêm 37,5 điểm, tương ứng giảm 2,7% và rơi về dưới mốc 1.330 điểm.
Tổng cộng số điểm đã mất đi của VN-Index tới giữa phiên sáng nay lên tới 240 điểm từ mức đỉnh 1.530 điểm, tương ứng với 15,6%. Đây là mức chưa phải kỷ lục cho một đợt giảm trong lịch sử, và cũng chưa phải là mức quá lớn cho một xu hướng giảm giá trung hạn (20-24%), nhưng với nhiều cổ phiếu thì mức chiết khấu đã vượt trên 50% khiến nhà đầu tư sử dụng margin coi như đã mất tài khoản vì bị ép bán.
Thị trường đang trong trạng thái mất cân bằng khi thiếu vắng dòng tiền hỗ trợ cũng như cổ phiếu có thể ổn định thị trường. Hầu hết các công ty chứng khoán vẫn đưa ra dự báo thị trường vẫn tiếp tục trong trạng thái giảm mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Hữu Bình, Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH), nhịp giảm này chưa dừng lại và với chỉ số chung còn tiếp tục. Nếu nhìn theo dữ liệu quá khứ, VN-Index thường chạm đáy khi mức giảm từ 20-24% từ đỉnh. VN-Index đóng cửa cuối tuần trước tại 1.329 điểm thì mức giảm mới chỉ là 13,1%, nếu theo tính toán này thì rõ ràng khoảng cách lớn nữa.
Quay lại diễn biến thị trường chứng khoán sáng đầu tuần ngày 9/5, giao dịch vẫn trong trạng thái ảm đạm khi sắc đỏ phủ trên diện rộng bảng điện tử.
Trên các sàn giao dịch, sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, số mã tăng chỉ vài ba chục mã, trong khi có tới hàng trăm mã mất điểm. Cụ thể, sàn HOSE có tới gần 400 mã giảm, gấp tới 10 lần số mã tăng; trong khi HNX cũng có gần 170 mã giảm, gấp hơn 8 lần số mã tăng.
Các chỉ số chính đồng loạt giảm sâu, chỉ số VN-Index rơi xuống dưới mốc 1.300 điểm khi để mất gần 2,4%; còn HNX-Index giảm hơn 3% xuống sát mốc 330 điểm. Điều này khiến nguy cơ thị trường retest mức đáy ngắn hạn tuần trước tại ngưỡng 1.260 điểm đang hiện hữu.
Trong nhóm bluechip, hiện chỉ có duy nhất VNM (HM:VNM) đi ngược xu hướng chung khi nhúc nhắc tăng 1-2 bước giá. Còn xét về nhóm ngành cũng không có nhóm nào lội ngược dòng thành công.
Các mã giao dịch sôi động trên thị trường hiện đang có mức giảm sàn hoặc sát sàn. Trong đó, FLC (HM:FLC) đang dẫn đầu thanh khoản với hơn 12 triệu đơn vị, hiện đang nằm sàn với khối lượng dư bán sàn hơn 0,6 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó là STB (HM:STB) và GEX (HM:GEX) cũng tạm nằm sàn với khối lượng khớp vài triệu đơn vị.