Tình hình thị trường ngoại hối ngày 12/03/2020
Theo Kathy Lien, Giám đốc điều hành chiến lược ngoại hối tại BK Asset Management
Một ngày thực sự khó khăn với thị trường tài chính khi các thông tin mới làm chao đảo thị trường ngoại hối và chứng khoán. Khi Dow Jones mất hơn 2000 điểm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cũng giảm mạnh, Fed và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đều đẩy mạnh bơm thanh khoản. Trong một động thái chống lại sự ảnh hưởng của dịch bệnh, Tổng thống Donald Trump đã cấm toàn bộ những người nước ngoài từ châu Âu (trừ Anh) vào Mỹ trong 30 ngày tới. Tâm lý các nhà đầu tư có thể được miêu tả chỉ bằng một từ: Không ấn tượng.
Xu hướng bán tháo tiếp diễn của thị trường chứng khoán cho thấy thị trường đang thiếu niềm tin vào những người đứng đầu trong việc khống chế dịch bệnh. Tuy rằng số ca nhiễm bệnh đã tăng chậm lại tại Trung Quốc và Hàn Quốc, tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng sở hữu thị trường tài chính lớn nhất thế giới, số ca nhiễm bệnh được dự kiến sẽ tăng lên. Tất cả những sự kiện đông người đều đã bị cấm, các doanh nghiệp đang bắt đầu phải kiểm chứng kịch bản làm việc tại nhà và các trường học cũng phải đóng cửa. Sàn giao dịch hàng hóa Chicago sẽ đóng cửa vào ngày thứ Sáu và đối với sàn giao dịch chứng khoán New York, việc đóng cửa chỉ còn là vấn đề về thời gian. Khi thông báo này được đưa ra, thị trường sẽ phải chịu thêm lực bán. Chúng tôi hiện chưa thấy điều tồi tệ nhất liên quan đến dịch bệnh hay trên thị trường tài chính, đó là lý do vì sao các nhà đầu tư dường như không quan tâm mấy đến nỗ lực của ngân hàng trung ương, vì sự biến động và tâm lý e dè rủi ro vẫn đang hiện hữu.
Đầu tiên, chứng khoán tăng giá với thông báo bơm 1,5 nghìn tỷ USD của Fed nhưng ngay sau đó, thị trường lại giảm mạnh vì những biện pháp bơm thanh khoản này được thực hiện với mục đích bình thường hóa hoạt động thị trường và không mang tính kích thích đối với nền kinh tế. Ví dụ, Fed nới rộng phạm vi mua lại trái phiếu kho bạc với các kì hạn khác nhau và bơm ra khoảng 500 tỷ USD thông qua các hợp đồng mua lại kì hạn 3 tháng và 1 tháng. Tất cả những điều này có thể giúp hỗ trợ thị trường trái phiếu nhưng không giúp ích gì cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tại từng bang và tại các quốc gia, nhiều biện pháp quyết liệt hơn đang được triển khai để ngăn chặn sự lây lan của virus. Các sự kiện quy mô lớn bị cấm và các trường học phải đóng cửa. Cho đến nay, chính phủ Mỹ chưa làm gì nhiều để xoa dịu thị trường, ngoài việc cắt giảm thuế bảng lương và lệnh cấm đi lại hứng chịu nhiều chỉ trích của Tổng thống Donald Trump.
ECB cũng đã công bố các biện pháp mạnh tay để hỗ trợ nền kinh tế nhưng các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thất vọng vì lãi suất không được điều chỉnh giảm. ECB đẩy mạnh chương trình mua lại tài sản 120 tỷ EUR và đưa ra một chương trình cho vay với chi phí thấp, điều này cho phép các ngân hàng có được 0,75% khi cho vay các doanh nghiệp nhỏ. ECB cũng sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng trong giai đoạn khó khăn này. Tỷ giá EUR/USD giảm xuống mức thấp 1,2055 sau khi ECB công bố quyết định của mình, nhưng đã phục hồi sau đó, lên mức 1,12 khi phiên Mỹ kết thúc.
Đồng Đô la Mỹ tăng khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ ổn định. Đồng tiền của các nền kinh tế nhỏ hơn như Úc hay New Zealand bị ảnh hưởng nhiều nhất nhưng chúng tôi thấy rất bất ngờ rằng đồng Đô la Canada không bị giảm trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh. Với các biện pháp mạnh của các quốc gia từ châu Á cho đến châu Âu để phong tỏa các thành phố, chống lại sự lây lan của dịch bệnh, quý 1 sẽ có kết quả không tích cực đối với hầu hết các quốc gia. Khả năng suy thoái toàn cầu là hiện hữu, và điều này làm cho việc quyết định mua vào các tài sản rủi ro trở nên khó khăn.