FED phát biểu "diều hâu" nhưng hành động?
Đêm ngày 22/11, biên bản cuộc họp thị trường mở (FOMC) đã được công bố với phần lớn quan điểm thận trọng về điều hướng chính sách tiền tệ của Mỹ. FED đặc biệt đề cao mục tiêu kiểm soát lạm phát về 2%; và cho rằng tốc độ giảm rổ hàng hóa tương đối chậm chạp. Từ đó, FED không loại trừ khả năng có thể nâng thêm lãi suất để sớm đạt được mục tiêu trên.
Trái ngược với kỳ vọng của thị trường, FED hoàn toàn không đưa ra một gợi ý nào về lộ trình cắt giảm lãi suất trong tương lai gần. Các thành viên ủy ban đồng thuận với chính sách thắt chặt, đánh giá việc duy trì lãi suất ở mức 5,25%-5,5% là chiến lược phù hợp. Thực tế, chủ tịch Jerome Powell truyền thông rằng “FED chưa nghĩ tới việc cắt giảm lãi suất”; mọi điều hướng chính sách sẽ rất thận trọng và cần đánh giá thêm dựa trên số liệu vĩ mô gần nhất.
Góc nhìn về tăng trưởng kinh tế được tranh luận sôi nổi. Mặc dù, số liệu tăng trưởng GDP 4,3% trong Q3 vừa qua; song, các quan chức đều kỳ vọng góc nhìn kinh tế Mỹ sẽ phục hồi chậm một cách rõ rệt trong những Q4 sắp tới. Cụ thể, thống kê của GDP Now của FED Atlanta dự phóng mức tăng trưởng có thể sụt giảm về 2% trong Q4. Mâu thuẫn nổ ra tại chủ đề này, một số quan điểm cho rằng thị trường và doanh nghiệp “quá khỏe” để chống chọi với môi trường lãi suất hiện tại cần có những biện pháp thắt chặt “mạnh tay”.
Trong khi đó, giới đầu tư đang có quan điểm lạc quan hơn về chính sách điều hành từ FED; rất tự tin trong việc dự đoán thời điểm đảo chiều sang giai đoạn “nới lỏng” vào khoảng từ T3-T5 năm sau (theo thống kê của CME Group).
Đánh giá, chúng tôi cho rằng việc FED luôn tỏ thái độ “diều hâu” trong các cuộc họp chính sách là cần thiết, tránh tạo ra tâm lý chủ quan tại môi trường kinh doanh và đầu tư. Thực tế, trong giai đoạn 6 tháng trở lại đây, FED cũng đề ra những chính sách điều hành có phần “nhẹ tay”, phù hợp với số liệu vĩ mô dần cởi mở; dù các phát biểu trước đó luôn mang tính sát thương lên thị trường. Góc nhìn về lạm phát đã dần được xoa dịu; trong trường hợp nền kinh tế sớm đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong Q1/24, chúng ta cũng có thể kỳ vọng về đảo chiều chính sách nới lỏng cận kề.
Một loạt số liệu vĩ mô được công bố trong tuần trước, theo chiều hướng bám sát các mục tiêu của FED đề ra:
- CPI và CPI lõi đều giảm hơn dự báo, lần lượt đạt 3.2% và 4%;
- Trợ cấp thất nghiệp tăng lên 231k đơn, dữ liệu này liên tục tăng từ cuối T9;
- Chỉ số bán nhà T11 tiếp tục xu hướng sụt giảm, đạt 3,79 triệu căn nhà, thấp hơn dự phóng 3,9 triệu.
Đối với thị trường chứng khoán trong nước, VNIndex ngày 22/11 “Phản công phút cuối”. Mẫu nến "kéo ngược" kèm thanh khoản gia tăng bảo chứng cho xu hướng , tâm lý giao dịch ngắn hạn lạc quan hơn. Lực cầu hấp thụ sau nhịp điều chỉnh lao dốc thể hiện sự quyết liệt của dòng tiền mua; đặc biệt với vị thế dẫn dắt ở nhóm Bất động sản. Trong bối cảnh thị trường đi ngang, dòng tiền luân phiên tại bộ 3 (Bất động sản, Chứng khoán, Thép) là tín hiệu lan tỏa lành mạnh. Để kỳ vọng lớn hơn về xu hướng, một số ngưỡng cản cần sớm vượt qua như vùng mA200 (1115 điểm), và vùng đỉnh ngắn (1130 điểm).