Giá dầu mở cửa phiên giao dịch với lực bán kỹ thuật ở vùng kháng cự 77 – 77,2 USD, và cũng thể hiện tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư trước hàng loạt các dữ liệu kinh tế quan trọng trong tuần này, bao gồm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Công cụ theo dõi lãi suất của CME Group cho thấy gần như 100% ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp tuần này, đưa lãi suất quỹ liên bang lên ngưỡng 5,25 – 5,5%. Dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt, trong khi thị trường lao động duy trì sự tích cực đang thúc đẩy niềm tin về một cuộc “hạ cánh mềm” của Mỹ.
Rõ ràng tâm lý đã được cải thiện nhiều hơn so với giai đoạn trước, mặc dù viễn cảnh “hạ cánh mềm” không đồng nghĩa với việc “tăng trưởng tốt”, và rủi ro về độ trễ vẫn có thể xảy ra, nhưng ít nhất cho đến nay, nền kinh tế Mỹ đang thực hiện khá tốt các thay đổi và kiểm soát vĩ mô.
Dữ liệu tăng trưởng GDP quý II của Mỹ cũng sẽ tác động khá mạnh tới giá dầu trong tuần này. Mỹ vốn là đối tác thương mại lớn nhất cửa Trung Quốc, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ đạt 0,8% so với quý I, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,2% trong 3 tháng đầu năm.
Tăng trưởng yếu hơn kỳ vọng của Trung Quốc, hoạt động sản xuất và xuất khẩu cũng hạn chế, nên nhiều khả năng tăng trưởng GDP quý II của Mỹ cũng không quá khả quan. Giá dầu có thể gặp áp lực ngắn hạn sau dữ liệu này.
Mặc dù vậy, bức tranh tổng thể quý III, thị trường dầu vẫn thiên về thiếu cung khi hàng loạt các nước sản xuất hàng đầu cắt giảm sản lượng. Ngoài ra, tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc tương đối ổn định, lượng nhập khẩu và hoạt động lọc dầu duy trì ở mức cao, và nếu có thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế, giá dầu sẽ còn động lực tăng.
Các biến số vĩ mô trong tuần này có thể làm gia tăng hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư, nhưng với rủi ro thâm hụt cán cân cung cầu, giá dầu nhiều khả năng sẽ không giảm sâu.