Doanh số tăng mạnh trong 2021, mở rộng công suất
Sao Ta (FMC) là doanh nghiệp xuất khẩu tôm đứng thứ 3 tại Việt Nam, theo công bố mới đây, doanh số 5 tháng đầu năm đạt 76 triệu USD, +32%yoy. FMC cũng là doanh nghiệp sở hữu diện tích vùng nuôi và hệ thống nhà máy chế biến lớn và hiện đại bậc nhật Việt Nam, đáp ứng đầy đủ các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế.
Tăng trưởng doanh thu cao, lợi nhuận 2021 kì vọng tăng trưởng dương
— Năm 2020, FMC đạt doanh thu thuần 4415 tỷ (+19%yoy), LNST 226 tỷ (-2%yoy). Trong năm 2020, chuỗi cung ứng sản phẩm tôm ở nhiều quốc gia khác bị ảnh hưởng, do đó FMC đã tăng cường hoạt động xuất khẩu, đạt doanh số khoảng 192 triệu USD.
Sản lượng tiêu thụ đạt 17,241 tấn(+15%yoy). Tuy nhiên biên lợi nhuận gộp giảm xuống chỉ còn 9.7% (2019: 11.4%) do giá tôm nguyên liệu đầu vào tăng cao do ảnh hưởng từ bệnh dịch của tôm, mảng nuôi tôm chưa đạt hiệu quả mong muốn.
— Quý 1/2021, FMC đạt doanh thu 969 tỷ (+36%yoy), LNST đạt 30 tỷ (-26%yoy). Mặc dù biên lợi nhuận gộp mảng thủy sản tăng trưởng nhẹ 0.5 điểm % so với cùng kỳ, lợi nhuận thuần vẫn giảm chủ yếu do giá cước vận tải biển và một số chi phí khác về bao bì nhập khẩu gia tăng do tác động của Covid 19 trong thời gian gần đây.
— Trong tháng 4 và 5/2021, doanh thu của FMC vẫn duy trì cao, đạt mức 33.3 triệu USD (+26%yoy). Cho cả năm 2021, công ty đặt kế hoạch doanh thu 4,650 tỷ, LNTT 250 tỷ, tăng trưởng khoảng 5% so với 2020.
Nền tảng hoạt động vững vàng, nâng gấp đôi công suất chế biến từ cuối 2022
— Sau khi thực hiện đầu tư mở rộng thêm 81ha đầu năm 2020, FMC hiện có vùng nuôi tôm đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Vĩnh Châu (Sóc Trăng) với diện tích 270ha, đáp ứng 25-30% nhu cầu đầu vào, đạt tỷ lệ tự chủ nguyên liệu đứng đầu trong ngành tôm . Công ty có kế hoạch đầu tư mở rộng vùng nuôi thêm 100ha trong năm 2021. Công ty cho biết hoạt động nuôi tôm 2021 của FMC đang có kết quả tốt nhất trong nhiều năm do các vùng nuôi mới đi vào ổn định, sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, điều kiện thời tiết thuận lợi.
— Hiện tại, FMC đang có 4 nhà máy với công suất chế biến 15.000 tấn thành phẩm/năm. Đầu năm 2021, FMC thực hiện đầu tư mới dự án Nhà máy Thủy sản Sao Ta với công suất 15.000 tấn thành phẩm/năm. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động nửa cuối năm 2022, nâng gấp đôi công suất chế biến của FMC.
— Nền tảng tài chính của FMC cũng ở top đầu trong ngành. Tỷ lệ vay nợ/vốn chủ sở hữu của FMC khoảng 40%, chỉ bằng một nửa trung bình ngành. Trong khi đó, hiệu quả hoạt động của công ty khá vượt trội so với ngành với ROA đạt 12% (ngành: 7.1%), ROE đạt 19% (ngành: 14.5%).
Triển vọng cổ phiếu tích cực trong các quý tới
— Việc các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản mở cửa nền kinh tế mạnh mẽ sau Covid-19, cùng với tác động từ hiệp định EVFTA sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tôm. Trong bối cảnh cường quốc xuất khẩu tôm là Ấn Độ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 thì các doanh nghiệp tôm Việt Nam trong đó có FMC sẽ có cơ hội lớn để gia tăng thị phần xuất khẩu.
— FMC là doanh nghiệp có năng lực tự chủ nguyên liệu hàng đầu trong ngành tôm, với việc cải thiện hiệu suất nuôi trồng, mở rộng công suất chế biến, chúng tôi kì vọng biên lợi nhuận của FMC sẽ được nâng cao trong các quý tới, giúp lợi nhuận thuần của công ty tăng trưởng trở lại.
— Với mức P/E hiện tại của FMC khoảng 9 lần (trung bình ngành 19 lần), và triển vọng tăng trưởng cao trong thời gian tới, chúng tôi đánh giá Tích cực với cổ phiếu FMC.