Hưởng lợi từ chính sách
Năm tài chính từ 01/07/2021-30/06/2022, Doanh thu thuần SBT (HM:SBT) đạt 18,325 tỷ đồng (+22,8% YoY) và lợi nhuận sau thuế đạt 818 tỷ đồng (+25,8% YoY): 1) Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 14,8% xuống còn 12,5%; 2) Thu nhập tài chính tăng mạnh, đạt 1,116 tỷ đồng so với mức 499 tỷ cùng kỳ do khoản lợi nhuận từ đầu tư hợp đồng tương lai và khoản tiền lãi gửi ngân hàng, cho vay, lãi ứng trước cho nhà cung cấp và các khoản đặt cọc; 3) chi phí khác tăng mạnh đạt hơn 231 tỷ trong kỳ, so với mức 55 tỷ ở kỳ trước.
SBT giữ vị thế đầu ngành với hơn 46% thị phần đường nội địa. Theo thống kê từ VSSA, số lượng nhà máy hoạt động hiện tại của toàn ngành ở mức 26 trên tổng số 40 nhà máy. Trong đó, SBT sở hữu 9 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất đạt 4,180 tấn đường/ngày. Bên cạnh đó, chiến lược liên tục mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu của mình so với các đối thủ khác trong ngành, giúp cho SBT nâng tổng vùng nguyên liệu lên gần 66,000 ha nằm ở 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong đó, tổng diện tích vùng nguyên liệu nông trường đạt 33,556 ha.
Trong năm 2022, SBT dự kiến đầu tư 100 triệu USD để mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000 hecta, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu đạt gần 90.000 ha. Hiện nay, Úc là quốc gia có năng suất mía đường cao nhất thế giới.
Tháng 6/2021, Bộ Công Thương (BCT) đã chính thức ban hành và áp dụng mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên sản phẩm đường từ Thái Lan với tổng mức thuế đạt 47,64% trong vòng 5 năm. Thế nhưng, tháng 9/2021 Bộ Công Thương có quyết định điều tra và đánh giá ảnh hưởng của việc đường Thái Lan tránh thuế khi nhập thông qua 4 nước ASEAN. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có Dự thảo kết luận vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía, và đang trình lên Bộ Chính trị xem xét, chờ quyết định trong thời gian tới.
Với triển vọng lạc quan của ngành đường, chúng tôi ước tính doanh thu thuần niên độ 2022-2023 đạt 20,341 tỷ đồng (+11% YoY) và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1,235 tỷ đồng (+50,8% YoY) :1) Giá đường thế giới kỳ vọng sẽ tăng 12% so với cùng kỳ, giúp biên lợi nhuận gộp của SBT được cải thiện từ mức 12,5% lên mức 13,3%; 2) Thu nhập tài chính tăng 20%YoY trong niên độ 2022-2023, đạt 1,339 tỷ; 3) Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt đạt 757 tỷ (+16% YoY) và 783 tỷ (18% YoY).
EPS dự phóng đạt 1,880 đồng/ cổ phiếu và P/E dự phóng đạt 9,8x, thấp hơn mức trung bình 5 năm của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đánh giá khả quan dài hạn với SBT: 1) Nhu cầu và tiêu thụ trong nước phục hồi tốt sau đợt dịch; 2) Đường trắng Việt Nam chính thức được giao dịch trên sàn giao dịch hàng hóa liên lục địa ICE từ 23/4/2021 giúp tăng cơ hội tiêu thụ các sản phẩm chất lượng cao tại thị trường thế giới; 3) biên lợi nhuận gộp kỳ vọng cải thiện nhờ chính sách hỗ trợ.
GÓC NHÌN KỸ THUẬT
SBT sẽ kiểm định ngưỡng kháng cự mạnh của mình tại MA 200 ngày. Rùng lắc và giằng co có thể sẽ diễn ra quanh vùng giá này, tuy nhiên cổ phiếu đã xác lập xu hướng tăng điểm trong trung hạn