Một số diễn biến chính:
- Thị trường đã liên tục kiểm tra vùng đáy tháng 5 và bật trở lại trong phiên cuối tuần qua đó mở ra hy vọng thiết lập trở lại các trạng thái tích cực hơn trong tuần này
- Thanh khoản thấp nhất trong 17 tuần, giá trị khớp lệnh đạt trên 2.300 tỷ đồng, dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm smallcap
- Khối ngoại tiếp tục là điểm sáng hiếm hoi khi mua ròng trên 240 tỷ đồng, tập trung vào quỹ ETF nội. Các quỹ ETF cũng hút ròng mạnh hơn 19 triệu USD để nâng tổng giá trị hút ròng kể từ đầu năm lên trên 225 triệu USD
- Về kỹ thuật, thị trường cần vượt qua ngưỡng 960 điểm để hoàn thành việc lâp GAP, trong khi đó khu vực phía trên có sự góp mặt của MA50, trendline giảm giá kể từ tháng 4 và Fibonacci 23,6% sẽ là vùng kháng cự mạnh. Bối cảnh lúc này đã có sự cải thiện từ bên ngoài, tuy vậy nhà đầu tư nên dự phòng thêm kịch bản xấu có khả năng xảy ra.
- Chiến lược đầu tư: không mua đuổi trong phiên, cơ cấu và giảm tỷ trọng danh mục, mua các nhóm có beta thấp (ít bị thị trường tác động) và bán các nhóm có beta cao.
- Cơ hội đầu tư: Các nhóm cổ phiếu phòng thủ như: Sản xuất và phân phối điện, nước, thực phẩm, dược phẩm…hoặc nhóm được hưởng lợi từ xuất khẩu như: Thủy sản, dệt may, gỗ, logistics, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không,…sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư ở thời điểm này.
- Thị trường trong nước khởi đầu không thuận lợi trong phiên đầu tuần nhưng đã ổn định dần vào nửa cuối tuần và thậm chí tăng trở lại mạnh mẽ trong phiên ngày thứ sáu, mức tăng thậm chí đã xóa được gần hết mức giảm và qua đó mở ra hy vọng thiết lập trở lại các trạng thái tích cực hơn trong tuần này. Dù vậy thanh khoản vẫn ở mức thấp nhất trong 17 tuần, cho thấy nhà đầu tư vẫn thận trọng bất chấp thị trường đang ở vùng đáy tháng 5.
VN-Index sụt giảm mạnh trong phiên đầu tuần do ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại và giá dầu lao dốc mạnh từ cuối tuần trước. Dù vậy, sau các phiên giao dịch giữa tuần đầy giằng co chỉ số đã bất ngờ bứt phá mạnh mẽ trong phiên cuối tuần. Điều này đã giúp VN-Index đóng cửa ở mức 958,28 điểm, giảm nhẹ 0,17% so với tuần trước đó.
- Ở nhóm cổ phiếu Vingroup (HM:VIC), VIC(+2,1%) liên tục giữ vững được vùng giá và đóng vai trò là trụ chính của thị trường. Trong khi đó, cả VHM (HM:VHM) và VRE (HM:VRE) đều biến động rất mạnh trong tuần qua. Sau phiên đầu tuần chìm trong sắc đỏ, cả hai đồng loạt hồi phục và đóng cửa quanh mức đóng cửa cuối tuần trước.
- SAB (HM:SAB)(+3,52%) là ngôi sao sáng nhất ở nhóm thực phẩm, đồ uống khi tiếp tục giữ được đà tăng mạnh xuyên suốt từ giai đoạn tháng 04/2019 đến nay. Hai đại diện khác là VNM (HM:VNM) và MSN (HM:MSN) đều giao dịch khá giằng co và tạm dừng lại quanh mốc đóng cửa tuần trước..
- Sự giằng co cũng chi phối phần lớn các cổ phiếu ngân hàng. Ngoại trừ VCB (HM:VCB) và TCB (HM:TCB) đồng loạt sụt giảm sâu hơn 2% và 4% trong tuần qua, các Large Cap khác như ACB (HN:ACB), TPB, VPB (HM:VPB), HDB (HM:HDB) đều giao dịch ở trạng thái giằng co mạnh với biên độ hẹp
- Việc giá dầu đang có dấu hiệu hồi phục sau chuỗi phiên giảm mạnh cũng đã tác động tích cực lên các cổ phiếu dầu khí. Sau phiên đầu tuần chìm sâu trong sắc đỏ, hầu hết các Large Cap nhóm này đều hồi phục tốt trong các phiên sau đó. Cổ phiếu PVD (HM:PVD) thậm chí còn đánh dấu một tuần tăng điểm
- Mặc dù chỉ số Vnindex chốt tuần không giảm nhiều so với tuần trước đó nhưng ở các nhóm cổ phiếu sự phục hồi có phần yếu hơn. Tuần qua vẫn còn nhiều nhóm giảm điểm mạnh, ngoại trừ nhóm bán lẻ, sản xuất phân phối điện, Vingroup, cao su tự nhiên và bất động sản.
Thanh khoản thấp nhất trong 17 tuần, giá trị khớp lệnh chỉ đạt trên 2.344 tỷ đồng, dòng tiền có sự dịch chuyển sang nhóm smallcap khi thanh khoản của nhóm này đã tăng 3 trong 4 tuần vừa qua.
Về cơ cấu dòng tiền: nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng có mức tăng mạnh nhất trong tuần vừa qua từ 11% lên 15%, các nhóm khác giảm ít hoặc không thay đổi như: Ngân hàng 17%, dầu khí 14%, thực phẩm 6%, dịch vụ 7%, ….
Về giao dịch của khối Nhà đầu tư nước ngoài:
- Không như những tuần trước, các cổ phiếu bluechip được nhà đầu tư ngoại giao dịch khá hạn chế trong tuần đầu tiên của tháng 6, trong khi đó, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 tiếp tục được gom mạnh, giúp khối này trở lại trạng thái mua ròng, với tổng giá trị 240 tỷ đồng.
- Trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khá hạn chế cổ phiếu và tập trung gom chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Trong tuần qua, E1VFVN30 đã dẫn đầu danh mục chứng khoán được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với khối lượng lên tới 19,31 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị 277,43 tỷ đồng. Đứng ở vị trí thứ 2, VIC được mua ròng 76,91 tỷ đồng, tương đương khối lượng 667.510 đơn vị, còn về khối lượng thì cổ phiếu lạ KMR (HM:KMR) đứng ở vị trí á quân khi được mua ròng hơn 8,1 triệu đơn vị, giá trị 25,13 tỷ đồng. Trái lại, với phiên bán mạnh ngày đầu tuần 3/6, cổ phiếu SBT (HM:SBT) đã trở thành cổ phiếu dẫn đầu danh mục bị bán ròng mạnh nhất tuần qua, với khối lượng 7,71 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 138,83 tỷ đồng. Tiếp theo đó, cổ phiếu lớn VNM bị bán ròng 98,33 tỷ đồng, tương đương khối lượng 772.670 đơn vị.
- Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh nhất TIG với khối lượng 406.100 đơn vị, giá trị 1,1 tỷ đồng. Trái lại, cổ phiếu PVS (HN:PVS) bị bán ròng mạnh nhất với khối lượng 1,15 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 25,14 tỷ đồng. Các mã bị bán ròng khá mạnh tiếp đó là HGM với 3,5 tỷ đồng (65.200 đơn vị), CEO (HN:CEO) với gần 2,22 tỷ đồng (192.800 đơn vị), DTD với 1,18 tỷ đồng (87.200 đơn vị)…
- Như vậy sau 3 tuần bán ròng liên tiếp thông qua giao dịch khớp lệnh thì khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trong 2 tuần vừa qua ở nhiều nhóm cổ phiếu như: dịch vụ, bảo hiểm, sản xuất phân phối điện, thủy sản, bất động sản, dầu khí, ngân hàng,….
Về dòng vốn ETF: Tuần qua các quỹ ETF hút được hơn 19,4 triệu USD, tập trung chủ yếu ở quỹ VanEck và ETF nội. Với tuần hút ròng mạnh vừa qua, các quỹ ETF đã nâng tổng số vốn đã giải ngân kể từ đầu năm lên 225 triệu USD.
FTSE Russell vừa công bố danh mục kỳ cơ cấu danh mục thứ hai năm nay. Cụ thể, đối với FTSE Vietnam Index, cổ phiếu POW (HM:POW) được thêm vào đồng thời loại HNG (HM:HNG) khỏi danh mục. Danh mục mới sẽ có hiệu lực chính thức từ phiên thứ Hai (24/6) tới. Điều này đồng nghĩa với việc trong 2 tuần tới, toàn bộ cổ phiếu HNG trong danh mục sẽ bị bán ra. Trong khi đó, việc POW xuất hiện trong danh mục là điều đã được dự báo từ trước khi cổ phiếu này đã thỏa mãn các điều kiện yêu cầu và đủ lịch sử giao dịch 3 tháng. Như vậy, sau đợt cơ cấu này, số mã cổ phiếu Việt Nam trong FTSE Vietnam Index vẫn là 20. Trong khi đó với FTSE Vietnam All-Share Index, 4 mã cổ phiếu được thêm vào bao gồm POW, TPB, PPC (HM:PPC) và PHR (HM:PHR) thay cho EIB (HM:EIB) và HNG bị loại ra.
Ngày 6/6, MSCI đã công bố Báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường - MSCI Global Market Accessibility Review - kỳ tháng 6/2019. Mặc dù các điểm đánh giá về Việt Nam vẫn giữ nguyên như đánh giá như kỳ trước (tháng 6/2018), giới phân tích vẫn nhìn thấy một số tín hiệu tích cực với thị trường Việt Nam. Tiếp sau báo cáo Accessibility Review, vào ngày 25/6/2019, MSCI sẽ công bố báo cáo xếp hạng thị trường - MSCI Global Market Classification Review với kết quả xếp hạng cụ thể cho Việt Nam cũng như các thị trường khác.
Trước đó, MSCI vừa có bản tin cập nhật danh mục cổ phiếu tính đến 31/5/2019. Theo đó, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index là 18,22%, xếp thứ 2 sau Kuwait với 31,45%. Hiện có 11 cổ phiếu của Việt Nam xuất hiện trong danh mục của MSCI Frontier Markets Index: VIC, MSN, VCB, HPG (HM:HPG), STB (HM:STB), BVH (HM:BVH), GAS (HM:GAS), BID (HM:BID), VNM, SAB, POW. Trong đó, VIC là cổ phiếu Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn nhất với 3,9%, tiếp theo là VNM, VHM (2,35%). Trước đó, MSCI ước tính trong trường hợp Argentina và Kuwait được lên hạng Emerging Markets (Kuwait lên hạng năm 2020), tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục MSCI Frontier Markets Index sẽ lên tới 25,8%. Hiện tỷ trọng cổ phiếu trong rổ MSCI của Việt Nam không lớn và chưa đạt mức đã dự báo song đây là một dấu hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang sóng gió bởi tác động của thị trường quốc tế.
Tóm lại, trong tuần vừa qua thị trường đã liên tục thử thách vùng hỗ trợ xung quanh mức đáy tháng 5 nhưng vẫn giữ vững, thậm chí còn bật tăng mạnh vào phiên cuối tuần. Tình hình trong nước không có vấn đề gì lớn nhưng cũng ít thông tin hỗ trợ, trong khi ở bên ngoài các tin tốt quốc tế liên tục tốt hơn khi Mỹ đạt được thỏa thuận với Mexico nên đã hoãn việc nâng thuế quan, thương chiến Mỹ - Trung cũng dịu bớt khi Trung Quốc có lời lẽ nhượng bộ... Điều này sẽ giúp thị trường được hỗ trợ phần nào trong ngắn hạn và mục tiêu gần nhất là vùng 972-978 điểm.
Tuy vậy, nhà đầu tư nên thận trọng, không nên mua đuổi trong phiên, có thể cơ cấu và giảm tỷ trọng danh mục ở các nhịp phục hồi kỹ thuật trong phiên. Tại thời điểm này, các kênh trú ẩn an toàn vẫn đang được các nhà đầu tư trên thị trường ưu ái. Chiến lược định lượng mua những cổ phiếu có Beta thị trường thấp (tức ít nhạy cảm với xu hướng chung của thị trường) và bán cổ phiếu có Beta thị trường cao. Các nhóm cổ phiếu phòng thủ như: Sản xuất và phân phối điện, nước, thực phẩm, dược phẩm…hoặc nhóm được hưởng lợi từ xuất khẩu như: Thủy sản, dệt may, gỗ, logistics, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không,…sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư ở thời điểm này.
Trần Hoàng Sơn - GĐ Chiến lược thị trường MBS (HN:MBS)