Nội dung Thông tư số 08/2020/TT-NHNN
Với mục đích giảm chi phí vốn và tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid – 19. Ngân hàng nhà nước vừa đưa ra Thông tư số 08/2020/TT-NHNN với nội dung chính nhằm lùi lộ trình quy định đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn với thời hạn 1 năm.
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn tại các tổ chức tín dụng
- Theo số liệu công bố mới nhất của NHNN tại ngày 31/03/2020 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn toàn hệ thống ở mức 25.52%, vẫn ở dưới ngưỡng thấp nhất, 30% theo quy định của Thông tư 22. Ở thời điểm hiện tại, theo chúng tôi tỷ lệ này vẫn chưa thay đổi nhiều so với thời điểm cuối tháng 3 vừa qua.
- Các ngân hàng thương mại nhà nước có tỷ lệ ở mức 28.92% tương đương các ngân hàng thương mại cổ phần ở mức 28.7%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vẫn cao nhất các Công ty cho thuê tài chính là 34.45%, vẫn đảm bảo tốt theo Thông tư 22.
Đánh giá tác động Thông tư 08/2020/TT-NHNN
- Từ đầu năm tới nay ngân hàng nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành. Đáng chú ý, từ đầu tháng 7 nhiều ngân hàng đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động cho thấy thanh khoản trên hệ thống ngân hàng hiện vẫn đang rất dồi dào khiến các ngân hàng giảm chi phí huy động trong khi hoạt động cho vay vẫn đang cầm chừng.
- Mặc dù lãi suất liên tục giảm nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp, lũy kế 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 2.45%, là mức thấp nhất từ 2016 tới nay.
- Việc kéo dài lộ trình áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo chúng tôi là không có nhiều tác động đối với các ngân hàng trong ngắn hạn. Bởi tại thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đang đảm bảo trong tỷ lệ theo quy định. Những e ngại trong vấn đề rủi ro nợ xấu cũng khiến các ngân hàng cân nhắc trong việc giải ngân. Ngoài ra, nhu cầu vốn của doanh nghiệp giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Việc kéo dài lộ trình áp dụng này, theo chúng tôi về mặt dài hạn 2022-2023 sẽ hỗ trợ cho các ngân hàng giảm chi phí vốn khi hoạt động kinh tế hồi phục, các doanh nghiệp gia tăng vay vốn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
- Với động thái giảm lãi suất huy động của các ngân hàng, trong khi thị trường trái phiếu với lãi suất hấp dẫn hơn nhiều đang dậy sóng. Mặc dù, kênh trái phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, nhưng trong ngắn hạn không ít nhà đầu tư sẽ lựa chọn chuyển đổi tiền gửi ngắn hạn sang kênh trái phiếu. Do đó việc tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn tại các ngân hàng sắp tới theo chúng tôi là sẽ không tăng trưởng nhiều.