Vietstock - Trần ai mở thị trường mới!
Phải mất nhiều năm để mở cửa thị trường mới cho nông sản nhưng việc xúc tiến lại theo cảm tính nên sản phẩm cạnh tranh yếu khi ra nước ngoài.
Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết để mở một mặt hàng của ta xuất sang nước ngoài thông thường mất 3-7 năm vì những hàng rào kỹ thuật cũng như thủ tục hành chính.
Đủ rào cản
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, mở cửa thị trường gồm 2 phần: thương mại - thuế suất nhập khẩu và rào cản kỹ thuật, thủ tục hành chính. Phần thương mại, Việt Nam đã đàm phán tốt, giảm thiểu thuế nhập khẩu của nhiều thị trường, thậm chí về 0% nhờ 12 hiệp định thương mại tự do (FTA).
Với sản phẩm thịt heo, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 4 đoàn qua Trung Quốc đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang đây. Tuy nhiên, để thông qua được hàng rào kỹ thuật của Trung Quốc, việc đầu tiên là phải tuyên bố vùng chăn nuôi của Việt Nam không có dịch bệnh lở mồm long móng.
Đây là yêu cầu tối thiểu và đầu tiên Việt Nam phải thông qua về mặt kỹ thuật. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Tổ chức Thú y thế giới và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc thực hiện theo yêu cầu này nhưng cần có thời gian.
Một cán bộ từng tham gia mở cửa thị trường khó tính cho rằng ở các nước như Mỹ, Nhật Bản, cả thế giới đều muốn bán hàng cho họ nên đăng ký mặt hàng mới xuất sang đây phải xếp hàng chờ. "Có khi số thứ tự lên đến cả ngàn nên việc chờ đợi lâu dài là không tránh khỏi. Đến khi nộp hồ sơ, nếu không đạt, họ trả lại và thường chỉ nêu lý do chung chung - như số liệu không đáng tin cậy, thí nghiệm thực hiện không đúng - khiến mình phải mướt mồ hôi tìm nguyên nhân, khắc phục và tất nhiên là khá tốn kém, mất nhiều thời gian" - vị này nêu thực tế.
Một tín hiệu vui cho ngành chăn nuôi Việt Nam là sắp được xuất khẩu chính ngạch thịt gia cầm sang Nhật. Dự kiến, lô đầu tiên sẽ xuất vào tháng 8 năm nay.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Trưởng Ban Đề án xuất khẩu Công ty TNHH Koyu & Unitek, cho biết để xuất khẩu thịt gà sang Nhật, công ty phải mất 2 năm chuẩn bị. So với những doanh nghiệp (DN) khác, công ty này có lợi thế hơn nhờ đã có khách hàng của công ty mẹ tại Nhật nên chỉ lo mở cửa về thủ tục theo những tiêu chí mà 2 nước quy định mà không phải lo vấn đề thương mại.
Theo ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, ngành chăn nuôi Việt Nam không có nhiều lợi thế khi xuất khẩu, chỉ có thể khai thác một số thị trường ngách. Với mặt hàng trứng, Việt Nam lợi thế về sản phẩm muối và bắc thảo nhưng gần đây lại bị vướng hàng rào kỹ thuật nước nhập khẩu về tiêu chuẩn sudan, chì... Do đó, nhiều DN không xuất khẩu được, phải tìm cách khắc phục như nuôi vịt tại trại (không thả chạy đồng) để kiểm soát thức ăn và thay đổi công thức chế biến để không tồn dư các chất cấm theo tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
"Về thương mại và kỹ thuật, DN có thể tự lo nhưng các thủ tục pháp lý thì cần có cơ quan đầu mối hướng dẫn để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu" - ông Thiện đề nghị.
Tránh mở theo cảm tính
Đang là mùa vải nhưng ông Nguyễn Đình Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ xuất nhập khẩu Vina T&T (TP HCM), DN dẫn đầu sản lượng xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Mỹ - thừa nhận khả năng đến 90% sẽ không bán trái vải sang Mỹ trong năm nay vì giá nguyên liệu quá cao.
"Có thể khi mở cửa cho quả vải xuất khẩu, các nhà quản lý không tính đến chuyện nhà máy chiếu xạ phải gần vùng nguyên liệu. Thế nên, DN muốn xuất khẩu phải đến Bắc Giang, Hải Dương mua hàng chở đến sân bay Nội Bài rồi bay vào TP HCM để chiếu xạ, làm đội giá thành, qua Mỹ rất khó bán" - ông Tùng phân tích.
Không chỉ vải, mới đây, quả vú sữa cũng có visa đi Mỹ nhưng theo ông Tùng là sai lầm. Vú sữa hiện chưa có công nghệ bảo quản, chỉ để 3-4 ngày là da nhăn nheo nên chỉ có thể vận chuyển bằng máy bay, chi phí gấp 20 lần đi tàu, rất khó bán. Chưa kể, đây là loại quả theo mùa, DN không thể xuất khẩu quanh năm.
Ông Tùng nhận xét: "Tôi có cảm giác các nhà quản lý chưa từng đi bán hàng nên mở cửa thị trường rất cảm tính, thích chọn những quả đặc sản của Việt Nam để giới thiệu với thế giới mà không tính đến việc cạnh tranh về chi phí, giá cả. Những nhà làm thương mại nên chọn những quả Việt Nam có lợi thế về giá (mít, mãng cầu gai), có khả năng bảo quản 30-40 ngày để có thể xuất khẩu bằng đường biển như bưởi, xoài…, gần nhà máy xử lý để xuất khẩu thì mới đạt hiệu quả kinh tế".
Mỗi lần xin phép cho một loại quả xuất sang thị trường khó tính là một lần khó, chưa kể "bánh ít đi thì bánh quy lại", Việt Nam phải mở cửa thị trường nội địa cho họ một mặt hàng khác, gây áp lực cạnh tranh cho nông sản Việt ngay thị trường trong nước. Ông Chu Hồng Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 Cục Bảo vệ thực vật, nhìn nhận thời gian qua, không phải tất cả loại quả được mở cửa đều thành công. Đây là kinh nghiệm để thời gian tới chọn những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh khi xúc tiến xuất khẩu, không nên mở cửa tràn lan.
"Trước hết, cần tập trung đầu tư vào công nghệ bảo quản, chế biến để nâng cao chất lượng, độ đồng đều, đáp ứng thị hiếu từng thị trường. Chẳng hạn, người châu Âu muốn ăn quả nhỏ, vị chua thì mình không mang bán trái to, vị ngọt…" - ông Châu đề xuất.
Không thể để nông dân "đấu tay đôi" với đại gia FDI Chủ một trang trại nuôi gà công nghiệp đẻ trứng quy mô lớn tại Đồng Nai cho rằng đã đến lúc nhà nước nên xem xét việc mở cửa gần như toàn bộ ngành chăn nuôi cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). "Những năm qua, sản phẩm chăn nuôi thường xuyên khủng hoảng thừa là do hàng loạt tập đoàn nước ngoài vào đầu tư, đẩy sản lượng tăng nóng. Họ có vốn lớn và bề dày kinh nghiệm từ những nước có nền chăn nuôi phát triển nhưng sản phẩm lại không xuất khẩu mà chỉ bán nội địa, cạnh tranh trực tiếp với nông dân là không công bằng. Những năm qua, hàng loạt nông dân vốn ít, nuôi gà đẻ trứng đã phá sản. Những người có vốn khá hơn đang cầm cự nhưng cũng không thể trụ được lâu dài trong tình trạng sản phẩm bán quá rẻ. Ở nhiều nước, nông dân luôn được nhà nước bảo hộ. Nhà nước không thể để nông dân đấu tay đôi với đại gia nước ngoài trên sân nhà" - một nông dân có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm chua chát. |