Vietstock - VN-Index vẫn giảm 14% trong 6 tháng đầu năm dù kiểm soát tốt dịch bệnh
Tại một quốc gia thường được khen ngợi vì thành công kiểm soát bệnh dịch như Việt Nam, chỉ số VN-Index vẫn giảm 14% trong năm 2020.
Chỉ duy nhất một chỉ số thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương khép lại 6 tháng đầu năm trong sắc xanh. Chỉ số CSI 300 – vốn theo dõi các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất tại Trung Quốc – tăng 1.64% trong 6 tháng qua.
Trong khi đó, phần còn lại của khu vực này đều cho thấy bức tranh khá bi quan về những nỗi đau mà Covid-19 gây ra. Các chỉ số vẫn giảm mặc dù nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương nhận được nhiều lời khen ngợi từ quốc tế về nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.
Ở New Zealand – một quốc gia được cho là thành công nhất trong việc kiểm soát dịch bệnh, chỉ số NZX 50 vẫn giảm 0.4% trong 6 tháng đầu năm. Nền kinh tế Đài Loan vẫn đứng vững “cực kỳ tốt”, nhưng chỉ số Taiex vẫn giảm hơn 3% trong năm 2020.
Thị trường có thành quả tốt nhất khu vực Đông Nam Á là chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI của Malaysia, mặc dù chỉ số này vẫn giảm hơn 5% cho tới nay.
Sau đây là thành quả của những thị trường châu Á-Thái Bình Dương khác trong 6 tháng đầu năm, dựa trên dữ liệu của Refinitiv Eikon cũng như tính toán của CNBC cho tới kết phiên ngày 30/06.
Con tàu lượn năm 2020
Năm 2020 khởi đầu đầy tích cực khi Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Điều này giúp xoa dịu nỗi lo về căng thẳng giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới sau những màn đáp trả thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa đôi bên.
Thế nhưng, sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 khiến các nền kinh tế gần như bị đóng băng trong bối cảnh các Chính phủ trên thế giới gấp rút kìm hãm lây lan bằng biện pháp phong tỏa.
Cú sụp của hoạt động kinh tế tạo ra sự hoảng loạn trên thị trường toàn cầu, khởi đầu bằng làn sóng bán tháo trong tháng 3/2020. Sau đó, các chỉ số quay đầu tăng mạnh khi các chính quyền và ngân hàng trung ương toàn cầu thực hiện các động thái chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ thị trường tài chính.
Dù vậy, những bất ổn xoay quanh đại dịch Covid-19 vẫn chưa tiêu tan. Sự tăng vọt về số ca nhiễm ở các bang của Mỹ làm dấy lên sự hoài nghi về khả năng phong tỏa trở lại. Hôm 29/06, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus lên tiếng cảnh báo “giai đoạn tồi tệ nhất vẫn chưa đến đâu”.
“Mặc dù nhiều quốc gia đạt được tiến triển trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng xét trên toàn cầu, dịch bệnh thực ra đang tăng nhan chóng”, ông cho biết trong cuộc họp báo qua video từ trụ sở của WHO ở Geneva. “Chúng ta đều muốn dịch bệnh chấm dứt. Chúng ta đều muốn tiếp tục cuộc sống, nhưng sự thật mất lòng là mọi thứ còn lâu mới chấm dứt”.
Cho tới nay, thế giới ghi nhận hơn 10 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 500 ngàn ca tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Trong lưu ý ngày thứ Sáu (26/06), Shane Oliver, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và chuyên gia kinh tế trưởng của AMP Capital, nhấn mạnh đến “3 rủi ro lớn” trong thời gian tới:
1. Làn sóng bùng phát thứ hai có thể khiến các nền kinh tế bị phong tỏa trở lại, từ đó kéo chứng khoán giảm mạnh.
2. Những thiệt hại lớn từ việc phong tỏa làm chững lại đà hồi phục.
3. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020.
“Sau đợt tăng mạnh từ đáy tháng 3/2020, thị trường cổ phiếu vẫn còn dễ bị điều chỉnh trong ngắn hạn xét tới sự khó lường của dịch bệnh, đà hồi phục kinh tế và căng thẳng Mỹ-Trung. Thế nhưng, trong giai đoạn 6-12 tháng tới, thị trường cổ phiếu được dự báo sẽ mang lại tỷ suất sinh lợi cao nhờ sự cải thiện của hoạt động kinh tế và các chính sách kích thích”, ông Oliver cho biết.
Vũ Hạo (Theo CNBC)