Vietstock - Vì đâu đồng USD liên tục suy yếu?
Đồng USD suy yếu trong vài ngày trở lại đây, nhưng các nhà phân tích không cho rằng đây hoàn toàn là do dữ liệu lạm phát Mỹ yếu hơn dự báo, CNBC cho hay.
Thay vào đó, họ nói rõ điều này là do các chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa được thông qua.
Richard Clarida, Cố vấn chiến lược toàn cầu tại Pimco – ông lớn trái phiếu với lượng tài sản là 1.6 ngàn tỷ USD, cho biết sự thất vọng về tiến độ thực hiện chương trình nghị sự của Donald trump đang bao trùm lên toàn thị trường.
Trong ngày thứ Hai, Clarida cho biết: “Bước vào năm 2017, một số người kỳ vọng sẽ có một biện pháp kích thích khổng lồ từ chương trình kinh tế của Donald Trump, có khả năng là một đợt cắt giảm thuế lớn, gia tăng cơ sở hạ tầng. Và dĩ nhiên, họ vẫn chưa chứng kiến đợt cắt giảm thếu và gia tăng cơ sở hạ tầng nào được thực hiện, và Quốc hội Mỹ đang còn tranh cãi về đạo luật kinh tế. Vì vậy, một số người đã từng nghĩ năm 2017 sẽ là một năm bùng nổ giờ lại tỏ ra thất vọng”.
Clarida nói thêm cuộc tranh luận về đạo luật sức khỏe đã khiến phần còn lại của chương trình rơi vào tình thế khó khăn. Điều này là do 50% số tiền có được từ đợt cắt giảm chi tiêu y tế sẽ được tài trợ cho đề xuất cắt giảm thuế.
Hôm thứ Bảy, lãnh đạo của Đảng Cộng hòa đã trì hoãn việc xem xét về đạo luật y tế của Thượng viện Mỹ vì Thượng nghị sĩ John McCain đang hồi phục sau khi phẫu thuật, qua đó cho thấy số phiếu bầu theo thủ tục có thể giảm xuống.
Dĩ nhiên, sự suy yếu của đồng USD cũng bắt nguồn từ dữ liệu đáng thất vọng trong ngày thứ Sáu.
Dữ liệu ngày thứ Sáu cho thấy tỷ lệ lạm phát tiêu dùng gần như đi ngang và doanh số bán lẽ bất ngờ suy giảm. Điều này đã làm nảy sinh các nỗi lo lắng mới là liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng nâng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm nay hay không.
Trong tháng 6/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiến 1.6% so với cùng kỳ năm trước.
Còn doanh số bán lẻ tháng 6/2017 của Mỹ giảm 0.2%, suy yếu 2 tháng liên tiếp, qua đó châm ngòi cho nỗi lo về tình hình kinh tế Mỹ.
Vào ngày thứ Sáu, Ian Lyngen, Trưởng bộ phận chiến lược lãi suất Mỹ tại BMO, cho biết xác suất nâng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm 2017 chỉ là 46%, thấp hơn mức 52% trước khi dữ liệu ngày thứ Sáu được công bố.
Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt, giảm xuống 95.088 trong ngày thứ Sáu. Chưa hết, trong phiên giao dịch buổi sáng ngày thứ Hai, chỉ số này nới rộng đà giảm xuống 95.065, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016.
Đồng bạc xanh còn chạm mức thấp nhất trong nhiều tháng so với đồng euro, bảng Anh và đô la Australia.
Tuy nhiên, Ray Attrill, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại ngân hàng National Australia Bank, cho biết rằng dữ liệu trên không giải thích hoàn toàn cho sự suy yếu của đồng USD.