Vietstock - Rất cần đình chỉ sự chai lì, vô cảm
Cuối cùng thì mấy ngày trước đây, cơ quan chức năng của TPHCM đã rút lại đề xuất tạm dừng thi công dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ tại quận 7 vì nhà thầu đã khắc phục các chỗ hư hỏng trên mặt đường tại ngã tư thuộc khu vực thi công.
Điều tồi tệ đã không xảy ra bởi lẽ nếu bị đình chỉ thi công, công trình sẽ càng thêm chậm tiến độ và cái mốc hoàn thành vào cuối năm tới 2023 sẽ càng thêm xa vời.
Được xem là một công trình trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông ở khu vực phía nam thành phố, dự án này dường như không có gì là quá phức tạp về mặt kỹ thuật với hai nhánh hầm chui, mỗi nhánh dài 480 mét, rộng 14 mét cho ba làn xe có thể di chuyển với tốc độ 60 cây số/giờ, và tổng vốn đầu tư là 830 tỉ đồng. Vấn đề giải phóng mặt bằng cũng chẳng có gì là phức tạp lắm vì công trình nằm hoàn toàn trên diện tích mặt đường Nguyễn Văn Linh, chẳng vướng bận đến đền bù giải tỏa cho dân.
Chẳng cần phải là dân cầu đường chuyên nghiệp gì cũng có thể biết rằng kỹ thuật xây dựng tiên tiến tại một số nước trên thế giới có thể giúp lắp ráp một hầm chui chỉ trong vài ngày cuối tuần trong khi xe cộ vẫn có thể lưu thông bình thường. Có người sẽ bảo thôi đừng ăn cơm Việt mà mơ chuyện thế giới. Ừ thì quả thật Việt Nam ta cũng có phần lạc hậu trong kỹ thuật xây dựng so với thế giới. Thế nhưng, đối với nhiều người không phải là dân cầu đường chuyện nghiệp, chuyện dù được khởi công từ tháng 4-2020 người ta phải mất đến gần bốn năm mới (mong) hoàn tất được dự án “trọng điểm” này (nếu mốc hoàn thành không bị dời thêm nữa) quả thật là điều khó hiểu (chắc là lỗi lớn nhất thuộc về con virus corona gây bệnh Covid-19).
Xác định lỗi của ai ngoài tầm với của người đi đường. Tuy nhiên, chính họ lại thuộc số các đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Ai đã từng đi qua ngã tư Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ chắc sẽ thấu hiểu tâm trạng này (phần nào được phản ánh qua các nhận xét (comment) dưới các bài viết đăng trên báo mạng về dự án nói trên). Giao thông lộn xộn đến nỗi có người nói ngã tư này đã trở thành một trong những “ngã tư khủng khiếp” (về mặt giao thông hỗn loạn). Các dòng xe đan xen nhau, kể cả xe tải hạng nặng, xe container, có lúc mạnh ai nấy chạy. Giờ cao điểm càng tệ hơn.
Ấy thế mà nhiều chỗ trên mặt đường đã trở thành các ổ trâu khiến xe cộ lưu thông càng thêm khó khăn, nhất là xe gắn máy. Tình thế càng bi thảm khi trời mưa lớn, không biết chỗ nào là mặt đường, chỗ nào là… lỗ vì nước lênh láng. Giả sử tai nạn xảy ra lúc kẹt xe thì không biết phải làm thế nào vì chính xe cứu thương cũng phải chào thua trong dòng xe cộ ken đặc không lối thoát.
Có lẽ chính vì điểm này mới xảy ra sự kiện cơ quan chức năng của TPHCM yêu cầu nhà thầu khắc phục các hư hỏng trên mặt đường nhằm ngăn ngừa tai nạn. Và đây cũng là một chuyện đáng nói.
Là những người trực tiếp trên hiện trường hàng giờ hàng ngày, người ta không thể không chứng kiến cảnh người đi đường vất vả như thế nào khi đi qua ngã tư này. Nhưng khi thường trực chứng kiến chắc cũng có thể khiến nhiều người trở nên chai lì, vô cảm trước những cảnh tượng như vậy.
Cũng khó trách họ vì luật pháp không quy định được ai “được phép” vô cảm, ai không. Đây là một vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Tuy nhiên, xin lưu ý điểm sau: nếu tai nạn giao thông xảy ra và được xác định là do mặt đường không đạt yêu cầu, về mặt lý thuyết, người bị nạn hoàn toàn có thể khởi kiện chủ thể chịu trách nhiệm về vấn đề này.
Ở nhiều nước, trách nhiệm như trên được quy định nghiêm ngặt. Tại Việt Nam, trách nhiệm tương tự ít thấy hơn, nhưng không phải là không có. Vấn đề là ở chỗ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và có thể yêu cầu bổ sung quy định mới, nếu cần, để áp dụng dễ dàng và nhất quán hơn.
Riêng trong trường hợp hầm chui Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, về mặt xây dựng, việc đình chỉ thi công không còn cần thiết vì nhà thầu đã thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng. Tuy vậy, về mặt xã hội, việc đình chỉ “sự chai lì và vô cảm” thì lúc nào cũng cần thiết nhằm làm cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn, bớt khổ hơn.
Quỳnh Thư