Vietstock - Đức lãnh đạo châu Âu nửa cuối năm 2020: Kỳ vọng trong thách thức
Người ta kỳ vọng không nhỏ vào Đức, vào cá nhân "nhà quản lý khủng hoảng" Angela Merkel, bởi khó có một chính trị gia EU nào hiện nay có bề dày kinh nghiệm xử lý khủng hoảng như bà.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Đức ARD tại Berlin ngày 4/6/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
|
Đức tiếp quản chức chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/7. Trong 6 tháng cuối năm 2020, Đức sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề lớn mà "lục địa già" đang đối mặt.
Thời gian không có nhiều, sức ép chính trị là rất lớn, tuy vậy người ta vẫn kỳ vọng không nhỏ vào Đức, vào cá nhân "nhà quản lý khủng hoảng" Angela Merkel, bởi khó có một chính trị gia EU nào hiện nay có bề dày kinh nghiệm xử lý khủng hoảng như nữ thủ tướng 65 tuổi của Đức.
Đức từng làm chủ tịch luân phiên Hội đồng EU 13 năm trước (năm 2007). Thời điểm đó, EU cũng bộn bề công việc cần giải quyết và được ví như một chiếc "gương vỡ" về thể chế với việc cử tri Pháp và Hà Lan nói "Không" với bản Hiến pháp mới của EU.
Khi Đức kết thúc nhiệm kỳ, Thủ tướng Merkel đã nhận được những lời khen ngợi vì thông qua các cuộc đàm phán đã đưa lộ trình cải cách của EU trở lại đúng hướng, bên cạnh những tiến bộ đạt được trong chính sách khí hậu.
Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, chưa bao giờ EU lại phải đối mặt cùng lúc với nhiều thách thức như vậy, từ khủng hoảng do đại dịch COVID-19, đến vấn đề Brexit (Anh rời khỏi EU), khí hậu, người di cư, quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ...
Dù Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố sẽ rút lui khi kết thúc nhiệm kỳ hiện nay sau cuộc bầu cử năm 2021, song điều chắc chắn là bà cũng muốn bảo toàn di sản chính sách đối ngoại của mình. Nhưng 6 tháng với vô số "công trường" ngổn ngang hiện nay của EU quả là một thách thức không nhỏ đối với nhà lãnh đạo Đức.
Trọng tâm số một cần giải quyết là sớm đưa châu Âu vượt qua khủng hoảng đại dịch COVID-19. Để có thể phục hồi nền kinh tế châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất một quỹ tái thiết trị giá 750 tỷ euro.
Hai phần ba trong số này là dành các khoản tài trợ cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch (như Italy và Tây Ban Nha), phần còn lại sẽ được cấp dưới dạng cho vay. Hiện các nước vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về hạn mức, điều kiện hay thời hạn cụ thể của gói cứu trợ.
Người dân giữ khoảng cách khi xếp hàng trước một siêu thị tại Jena, Đức ngày 1/4/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
|
Đặc biệt có 4 nước không muốn triển khai giải pháp này mà muốn thông qua con đường tín dụng là Áo, Hà Lan, Thụy Điển và Đan Mạch. Việc Đức bất ngờ quay sang ủng hộ "món nợ chung," cùng với Pháp, đã cho thấy quyết tâm của Berlin trong việc chia sẻ, thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của nước đầu tàu châu Âu, sớm phục hồi nền kinh tế ở các nước thành viên.
Thủ tướng Merkel từng nói "trong đại dịch, EU có thể tạm thời phải gánh các khoản nợ thông qua ngân sách" và rằng Đức không chỉ nghĩ về bản thân mà còn sẵn sàng cho một "hành động đoàn kết phi thường."
Khoản tiền 750 tỷ euro trên sẽ được 27 nước EU đàm phán trong ngân sách giai đoạn 2021-2027 tại cuộc họp dự kiến vào ngày 17/7 tới. Bộ Tài chính Đức kỳ vọng EU có thể đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 7, tháng đầu tiên Đức giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, bởi Berlin vẫn còn danh sách dài những công việc cần giải quyết.
Ưu tiên số hai của Đức sẽ là một thỏa thuận để Anh rời vĩnh viễn khỏi EU sau ngày 31/12 tới. Khi Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố không muốn gia hạn thời điểm này dù có hay không có thỏa thuận, đồng nghĩa quả bóng đã đẩy sang phía EU, bởi trong khi cả hai bên đều không muốn gia hạn thêm thời gian đàm phán thì Brussels lại muốn Anh ra đi một cách có trật tự và quyết tâm ngăn chặn một "Brexit cứng."
Liệu có thể đạt được một thỏa thuận khi còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng như quyền đánh bắt cá, tiếp cận thị trường nội khối EU, quyền của công dân EU tại Anh...
Có thể nói, Brexit một lần nữa bước vào giai đoạn quyết định và sẽ tùy thuộc vào kỹ năng đàm phán của Đức, cho dù có một thỏa thuận thương mại với London vào cuối năm nay hay Brexit cứng sẽ xảy ra.
Một vấn đề gây tranh cãi và bất đồng lâu nay trong EU là chính sách với người nhập cư. EU đã có thỏa thuận về người nhập cư với Thổ Nhĩ Kỳ, song thỏa thuận luôn có nguy cơ bị đổ vỡ.
Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác, phân bổ người nhập cư ở các nước EU dường như không hiệu quả và một số nước thành viên rất miễn cưỡng khi triển khai thỏa thuận này. Chủ tịch nhóm nghị sỹ đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu Manfred Weber phải thừa nhận EU đã thất bại trong chính sách tị nạn và những gì diễn ra cho đến nay "không phải là một châu Âu được kỳ vọng."
Là quan chức mở cửa cho người tị nạn tràn vào Đức năm 2015, Thủ tướng Merkel sẽ lại là người tìm kiếm câu trả lời khi EC đưa ra đề xuất mới về luật với người tị nạn trong những tuần tới.
Về vấn đề bảo vệ khí hậu, cuộc khủng hoảng COVID-19 chính là cơ hội để châu Âu thúc đẩy "Thỏa thuận Xanh" đã được đưa ra năm 2019 với mục tiêu trung lập về khí thải vào năm 2050. Brussels muốn sử dụng gói cứu trợ 750 tỷ euro nêu trên để giúp châu Âu xanh hơn.
Dự kiến, khoản cứu trợ sẽ bắt đầu được rót cho các nước EU trong thời gian Đức giữ chức chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, do vậy Berlin kỳ vọng khoản cứu trợ sẽ giúp tái thiết nền kinh tế một cách bền vững, nói cách khác là sẽ gắn với những biện pháp về bảo vệ môi trường.
Trong chính sách đối ngoại, quan hệ với Mỹ đã nguội lạnh rõ rệt kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Đó là lý do tại sao EU, cũng như Đức, muốn tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc với tư cách vừa là đối tác, vừa là đối thủ.
Châu Âu muốn mở rộng và tăng cường tiếp cận với Trung Quốc trong khuôn khổ các giá trị của chính mình mà vẫn bảo toàn được các lợi ích. Trong quan hệ phức tạp với Mỹ, Thủ tướng Merkel mới đây cảnh báo châu Âu có thể phải cân nhắc lại một cách căn bản mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi Washington triển khai kế hoạch rút quân số Mỹ khỏi Đức, đó là chưa kể cuộc chiến thương mại hai bên luôn cận kề.
Có thể thấy rõ mối quan hệ châu Âu-Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng trong những năm gần đây và EU không còn thấy Mỹ là đối tác đáng tin cậy như trước đây. Và khi cuộc bầu cử ở Mỹ vào giai đoạn nước rút, người ta chưa thể biết Tổng thống Trump sẽ còn có những quyết định gì liên quan tới châu Âu.
Thủ tướng Merkel từng tuyên bố Đức đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng EU ở thời điểm châu Âu đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất trong lịch sử. Tuy vậy, giới quan sát cũng có những nhận định lạc quan khi nước giữ chức chủ tịch luân phiên lần này là Đức, quốc gia mạnh nhất về kinh tế trong châu Âu. Nhiệm vụ chủ yếu của nước giữ chức chủ tịch luân phiên là trung gian hòa giải, thực hiện các thỏa hiệp.
Thủ tướng Merkel cho đến nay là nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất ở châu Âu. Bà đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng ở châu Âu kể từ nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên đầu tiên của Đức. Kinh nghiệm và phong cách chính trị của nhà lãnh đạo Đức là đặc biệt hữu ích trong bối cảnh hiện nay, đó là bà luôn sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức và từ đó tìm ra câu trả lời.
Việc Thủ tướng Merkel tuyên bố rút lui khỏi chính trường Đức vào năm tới cũng là yếu tố giúp bà giảm bớt sức ép từ cử tri, tự do và tập trung hơn cho việc giải quyết các thách thức của EU.
Người sẽ sát cánh trong các quyết sách của nhà lãnh đạo Đức không ai khác chính là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, người từng là "cánh tay phải" của bà Merkel.
Mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa hai chính trị gia đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) giàu kinh nghiệm này sẽ giúp các cuộc đàm phán trở nên dễ dàng hơn.
Ngoài ra, mối quan hệ hiện tại của bà Merkel với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng khá tốt đẹp. Thủ tướng Merkel từng nhận định: "Khi Đức và Pháp đồng lòng thì chưa hẳn cả châu Âu đã đồng lòng, song nếu Đức và Pháp bất đồng thì sự đồng lòng của châu Âu sẽ khó đạt được.“
Đó cũng là lý do khiến các nhà quan sát kỳ vọng vào một nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên thứ hai thành công của bà Merkel./.
Mạnh Hùng