Vietstock - Tương lai bấp bênh của mùa mua sắm cuối năm tại Mỹ
Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi người tiêu dùng thu mình ở nhà vì Covid-19, chi tiêu cho mùa lễ hội năm nay có thể suy giảm.
Covid-19 đang tạo ra những rào cản mới đối với chi tiêu của người Mỹ trong mùa lễ hội cuối năm, đặt ra những thách thức tiềm tàng cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng. Các hộ gia đình phải đối mặt với viễn cảnh Halloween không có trẻ con đi xin kẹo, Lễ Tạ ơn không đi du lịch, Black Friday không có tụ tập săn hàng giảm giá và một tháng 12 không tiệc tùng hay tặng quà trực tiếp.
Sự bế tắc của Quốc hội Mỹ về khoản viện trợ mới cho hàng triệu người thất nghiệp và chiến dịch bầu cử tổng thống gây tranh cãi cũng là những tác nhân tiềm ẩn.
Theo Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, mùa mua sắm dịp lễ - thường kéo dài trong tháng 11 và tháng 12 - chiếm khoảng 20% doanh số bán lẻ hàng năm. Chi tiêu cho bán lẻ chiếm khoảng 25% chi tiêu của người tiêu dùng trong một năm điển hình.
Một số nhà kinh tế dự đoán doanh số năm nay sẽ tăng trưởng ít hoặc không tăng so với năm 2019. Joe Brusuelas - kinh tế trưởng của RSM Mỹ, cho rằng doanh số bán lẻ chỉ tăng 0,5%, một phần do Quốc hội chưa thông qua gói kích thích mới.
Một cửa hàng thời trang tại Clemson, Nam Carolina, Mỹ. Ảnh: Bloomberg.
|
Sucharita Kodali - nhà phân tích tại Forrester Research, dự đoán chi tiêu bán lẻ trong mùa lễ hội tới sẽ không đổi so với năm 2019. Doanh số bán hàng trực tuyến có thể tăng 20% đến 25%, nhưng sự sụt giảm mạnh về lượng người ghé thăm các cửa hàng sẽ ảnh hưởng đến doanh số chung. Vì những hạn chế do dịch bệnh, "chi tiêu cho Halloween năm nay sẽ không nhiều", bà nói.
Triển vọng năm nay khó đoán đến mức một số tổ chức thậm chí không đưa ra dự báo. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia đã trì hoãn việc công bố dự báo mùa mua sắm cuối năm, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, với lý do thiếu các chỉ số kinh tế rõ ràng và có thêm nhiều biến số khác, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống và khả năng tái bùng phát của Covid-19.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế vẫn lạc quan. Các hộ gia đình, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và khá, đã trả bớt nợ và tăng cường tiết kiệm, tạo ra bộ đệm tài chính. Tiền gửi tại các ngân hàng thương mại đã lên 15.720 tỷ USD trong tháng 9, từ 13.390 tỷ USD tháng 2, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
"Đó là số tiền mà mọi người kiếm và không phải chi tiêu cho ăn ngoài hay du lịch", Calvin Schnure - nhà kinh tế cấp cao tại Nareit, một nhóm thương mại đại diện cho các quỹ đầu tư bất động sản, nhận xét, "Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều này trong suy thoái, khi mà đáng lẽ tài chính hộ gia đình sẽ yếu hơn. Còn đây thực sự là điều khác biệt, cho thấy sức mạnh chi tiêu trong nền kinh tế còn lớn", ông nói.
Ông Schnure kỳ vọng doanh số bán lẻ tăng 5% trong mùa lễ hội cuối năm, vì người tiêu dùng đang tiết kiệm bằng cách "ăn tối ở nhà thay vì đến nhà hàng và xem Netflix thay vì đi xem phim mỗi tuần một lần".
James Bohnaker - nhà kinh tế học tại IHS Markit, cũng dự báo doanh số bán lẻ trong dịp lễ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông mong đợi một số gói kích thích tài chính sẽ đến trước cuối năm. Ông lưu ý rằng mùa chi tiêu, thường kéo dài từ Lễ Tạ ơn đến cuối năm, "đang đến sớm hơn và có vẻ như mọi thứ đang ở cao điểm rồi".
Các nhà bán lẻ đang thúc đẩy mùa mua sắm cuối năm sớm hơn bằng cách mở đặt hàng trước để tránh tắc nghẽn. Cách này vừa để hạn chế sự đông đúc tại các cửa hàng vừa giảm bớt áp lực lên chuỗi cung ứng.
Tình hình mua sắm gần đây cũng là một điểm sáng của nền kinh tế, khi người tiêu dùng chuẩn bị cho những tháng làm việc và học tập tại nhà tiếp theo bằng cách chi tiêu cho xe cộ, cải tạo nhà cửa và đồ thể thao. Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh số bán lẻ đã tăng 1,9% trong tháng 9 so với tháng trước.
Chủ tịch Brandon Stephens của Christmas Decor, một thương hiệu kinh doanh đồ trang trí nhượng quyền tại Texas đang kỳ vọng vào triển vọng cuối năm, vì những người làm việc tại nhà đang tiết kiệm tiền và muốn làm tươi sáng ngôi nhà của họ. "Nhiều người đang tập trung vào nhà cửa, gia đình, tìm kiếm thứ gì đó khiến họ cảm thấy hy vọng," ông nói.
Về dài hạn, các nhà kinh tế cho biết, người tiêu dùng chỉ có thể tiếp tục chi tiêu nếu họ kiếm được tiền. Điều này có nghĩa triển vọng sau kỳ nghỉ lễ sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng việc làm, vốn đã chậm lại đáng kể trong những tháng gần đây, khi ngày càng nhiều nhân viên bị sa thải vĩnh viễn.
Kỳ vọng yếu với ngành bán lẻ cũng thể hiện qua việc tuyển dụng ảm đạm trong kỳ nghỉ lễ. Các tin tuyển dụng mùa vụ năm nay thấp hơn 11% so với năm ngoái, theo trang web việc làm Indeed.
Đại dịch cũng đang thay đổi bản chất của công việc thời vụ này. Tỷ lệ việc làm liên quan đến các đơn đặt hàng trực tuyến tăng gấp ba lần so với các năm trước, do sự gia tăng mua sắm trên Internet.
Mathieu Stevenson, CEO (HN:CEO) Snagajob, một nền tảng công việc theo giờ trực tuyến, cho biết các cửa hàng truyền thống đang tạo ra các công việc mới, như cộng tác viên vệ sinh, những người quét sạch xe hàng giữa các lần sử dụng, người kiểm tra thân nhiệt và giám sát số lượng người mua sắm được phép vào cửa hàng cũng như đảm bảo giãn cách của khách hàng.
Các nhà kinh tế thì nói rằng Mỹ sẽ cần một giải pháp lâu dài cho đại dịch và nhiều công việc mới hơn để giữ cho không khí kỳ nghỉ vẫn vui vẻ ngay cả khi đã kết thúc.
Phiên An