Vietstock - Trung Quốc: Thị trường chứng khoán bị bán tháo, nhà đầu tư sản phẩm phái sinh có thể lỗ nặng
Việc chỉ số chứng khoán chuẩn của Trung Quốc giảm thêm 10% có thể châm ngòi cho làn sóng bán tháo các hợp đồng tương lai chỉ số gắn liền với các sản phẩm mang tính cấu trúc.
Quyền chọn rào chắn là loại quyền chọn mà giá trị khi đáo hạn của chúng phụ thuộc vào việc giá của tài sản cơ sở có chạm đến một mức nhất định, còn gọi là mức chặn, trong một khoảng thời gian xác định hay không. |
Tại Trung Quốc, các sản phẩm phái sinh “snowball” (tuyết lăn) là một sản phẩm đầu tư khá phổ biến và mang lại lợi suất cao cho những ai sẵn lòng đặt cược chỉ số sẽ dao động trong một khoảng nào đó. Sản phẩm này về cơ bản là một hợp đồng quyền chọn rào chắn rủi ro cao (barrier option).
Chẳng hạn như hợp đồng kỳ hạn 1 năm gắn liền với chỉ số CSI 500. Hợp đồng này sẽ chấm dứt trước thời hạn nếu chỉ số vượt ngưỡng chặn trên (đã nhất trí trong hợp đồng), thông thường là cao hơn khoảng 3%-10% so với chỉ số hiện tại. Trong trường hợp hợp này, nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận dựa trên việc chỉ số dao động trong vùng giao kèo bao lâu. Tỷ suất sinh lời hiệu chỉnh thành năm thường không cao hơn 20%. Càng nắm giữ lâu, lợi suất càng cao cũng giống như hiệu ứng hòn tuyết lăn.
Trong khi đó, nếu chỉ số rơi xuống dưới ngưỡng chặn dưới (thường là 20%-30% so với chỉ số tham chiếu), thường sẽ có vài kịch bản khả dĩ khi hợp đồng đáo hạn. Nếu chỉ số không hồi phục lên mức tham chiếu ban đầu, nhà đầu tư sẽ lỗ. Còn nếu hồi phục lên vùng từ ngưỡng tham chiếu tới ngưỡng chặn trên, nhà đầu tư có thể lấy lại vốn gốc. Còn nếu chỉ số hồi phục mạnh và vượt ngưỡng chặn trên, nhà đầu tư có thể có lợi nhuận như đã nói ở phần trên.
Kịch bản lý tưởng nhất đối với các hợp đồng này là chỉ số dao động trong vùng đã nhất trí từ trước (giữa chặn trên và chặn dưới).
Ở tình huống hiện tại của Trung Quốc, chỉ số chuẩn của các hợp đồng phái sinh này có nguy cơ phá ngưỡng chặn dưới và nhà đầu tư có thể lỗ nặng.
Với các sản phẩm phái sinh gắn liền với chỉ số Smallcap 500, ngưỡng chặn dưới trung bình ở mức 4,865 điểm, theo ước tính của China International Capital Corp. Chỉ số Smallcap 500 hiện đang dao động ở mức 5,417 điểm.
Làn sóng bán tháo không ngừng nghỉ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến giới đầu tư chú ý tới rủi ro từ các sản phẩm phái sinh này. Các hợp đồng dạng này trước đó là loại công cụ ưa thích với các nhà đầu tư tổ chức và các cá nhân giàu có trong năm 2021.
Chứng khoán Trung Quốc vừa trải qua một năm cực kỳ bấp bênh và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng không thể ngăn cản đà giảm của thị trường. Khủng hoảng bất động sản, căng thẳng địa chính trị và triển vọng kinh tế ảm đạm đã khiến giới đầu tư cảm thấy bi quan về các tài sản tại đất nước tỷ dân.
Hai chỉ số CSI 500 và CSI 1000 – hai chỉ số tham chiếu phổ biến nhất với các sản phẩm phái sinh snowball – đã giảm hơn 7% trong năm nay, dù đã có phiên phục hồi sau thông báo kích thích kinh tế từ Chính phủ Trung Quốc. Cả hai đều giảm hơn 20% trong năm 2022.
Các cơ quan chức trách đã siết kiểm soát với các sản phẩm phái sinh ngoại lai, ngăn các tổ chức quảng bá sai lệch về sản phẩm này tới nhà đầu tư cá nhân. Trước đó, có trường hợp các tổ chức quảng bá sản phẩm phái sinh này như kiểu sản phẩm mang lại thu nhập cố định.
Quy mô hiện tại của các sản phẩm phái sinh snowball tại Trung Quốc ở mức 200 tỷ Nhân dân tệ (27 tỷ USD) tại cuối tháng 7/2023, dựa trên ước tính của CICC.
“Nếu các hợp đồng tương lai chỉ số bị buộc phải bán ra, tác động sẽ lan truyền tới các sản phẩm phái sinh và càng khiến tâm lý trở nên tiêu cực”, Yu Yingbo, Chuyên gia quản lý quỹ tại Shenzhen Qianhai United Fortune Fund Management, chia sẻ. Tuy vậy, các cơ quan chức trách vẫn chưa quá lo ngại vì họ đã tăng cường giám sát trong vài năm gần đây.
Hàn Quốc cũng phổ biến các hợp đồng dạng này. Ở xứ sở kim chi, họ đặt cược vào các sản phẩm gắn liền với chỉ số Hang Seng China Enterprises – chỉ số theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hồng Kông – và chỉ số này cũng giảm mạnh trong thời gian qua.
Vũ Hạo (Theo Caixin, Bloomberg)