Nhận Dữ Liệu Cao Cấp cho Cyber Monday: Giảm tới 55% InvestingProNHẬN ƯU ĐÃI

Trung Quốc có phải là lời giải của Nga?

Ngày đăng 18:28 05/03/2022
Trung Quốc có phải là lời giải của Nga?
EIB
-

Vietstock - Trung Quốc có phải là lời giải của Nga?

Nền kinh tế Nga hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức bởi hàng loạt biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, do cuộc xung đột tại Ukraine. Điều này được dự báo sẽ thúc đẩy Moscow thắt chặt hơn nữa quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, để hạn chế tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt.

Trung Quốc – lối thoát cho nền kinh tế Nga

Theo các chuyên gia, Trung Quốc hiện là nước duy nhất có thể giúp Nga giảm thiểu tác động kinh tế từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trên thực tế, việc Trung Quốc mua số khí đốt trị giá hàng tỉ đô la Mỹ và ký kết các thỏa thuận hợp tác về cơ sở hạ tầng, công nghệ đã giúp Nga hạn chế đáng kể tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt thương mại và tài chính mà phương Tây áp đặt lên nước này sau sự kiện sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Các số liệu thống kê cho thấy, Trung Quốc đang là đối tác thương mại hàng đầu của Nga, chiếm 23% kim ngạch nhập khẩu và 15% kim ngạch xuất khẩu của Nga trong năm 2020.

Các ngân hàng chính sách lớn của Trung Quốc, vốn tách biệt hẳn với các ngân hàng thương mại, sẽ là thực thể chủ đạo đảm nhận hỗ trợ tài chính cho Nga.

Đến thời điểm này, Nga là khách hàng nhận được các khoản vay lớn nhất từ các tổ chức tài chính Trung Quốc, với tổng giá trị lên đến 151 tỉ đô la trong giai đoạn 2000-2017, theo dữ liệu của AidData, một đơn vị nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học William & Mary ở Virginia, Mỹ.

Đáng chú ý, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) cùng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Eximbank (HM:EIB)) là hai thực thể được cho là ít bị ảnh hưởng bởi đòn trừng phạt từ phương Tây. “Hai ngân hàng này ít tương tác với hệ thống đô la Mỹ và có nhiều lựa chọn hơn trong hỗ trợ tài chính theo những cách thức khác biệt, ít bị tổn thương trước các biện pháp trừng phạt”, học giả Tom Rafferty tại Economist Intelligence Unit nhận định.

Ngay trước thềm cuộc xung đột, Bắc Kinh đã dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với lúa mì từ Nga và ký một thỏa thuận có thời hạn 30 năm để nhập khẩu khí đốt – dấu hiệu cho thấy, thị trường khổng lồ của Trung Quốc đang mở cửa hơn nữa với Nga.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng cần tới nguồn hàng hóa dồi dào từ Nga. Theo New York Times, cho đến nay, hầu hết năng lượng và lương thực mà Trung Quốc nhập khẩu phải di chuyển qua các vùng biển có sự hiện diện của hải quân Mỹ và Ấn Độ. Do vậy, Bắc Kinh đang cố gắng dựa nhiều hơn vào nguồn cung khác.

Bên cạnh việc nhập khẩu hàng hóa, cả Moscow và Bắc Kinh đều đang cố gắng phi đô la hóa hoặc chí ít là hạn chế sử dụng đồng tiền của Mỹ trong thương mại, nhằm giảm mức độ tiếp xúc với hệ thống tài chính Mỹ. Hồi năm ngoái, Công ty dầu khí Gazprom của Nga đã thông báo sẽ sử dụng nhân dân tệ cho các giao dịch nhiên liệu máy bay với Trung Quốc, thay vì đô la Mỹ.

Bắc Kinh hiện đã phát triển Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một giải pháp riêng thay thế cho hệ thống liên ngân hàng quốc tế SWIFT. Do vậy, việc các nước phương Tây loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT được dự báo sẽ thúc đẩy Nga tìm tới giải pháp thay thế này nhiều hơn. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mà Trung Quốc đang thử nghiệm, cũng được coi là một giải pháp khác, giúp Nga né các biện pháp trừng phạt.

Do vậy, ông Kevin Rudd – cựu Thủ tướng Úc và hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội châu Á nhận định “Mức độ hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga, có thể là một yếu tố quan trọng quyết định xem nước này có thể chống chịu được với những tác động dài hạn đến mức nào”.

Năng lực hỗ trợ của Bắc Kinh chỉ có hạn

Tuy nhiên, năng lực hỗ trợ của Trung Quốc liệu có đủ để giúp Nga không phải bận tâm đến các biện pháp trừng phạt từ phương Tây? Câu trả lời có lẽ là chưa đủ, bởi những hạn chế trong năng lực của cả hai bên.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc chiếm 17,3% GDP toàn cầu trong năm 2020, so với 1,7% của Nga và 45,8% của các nước G7. Do vậy, theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, sự chênh lệch lớn giữa Nga – Trung Quốc và các nước G7, cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc không thể thay thế các thị trường lớn khác trong việc giao thương với Nga.

Ở chiều ngược lại, Nga cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển hướng sang thị trường mới trong ngắn hạn, ví dụ như trong lĩnh vực năng lượng. Hiện Bắc Kinh muốn nhập khẩu nhiều khí đốt hơn, nhưng Moscow vẫn chưa thể đáp ứng ngay lập tức, bởi các đường ống liên kết giữa hai quốc gia hiện đã hoạt động hết công suất.

Việc Mỹ và các nước đồng minh áp đặt biện pháp trừng phạt, nhằm ngăn Nga tiếp cận với các chất bán dẫn tiên tiến và công nghệ hiện đại khác, cũng được dự báo sẽ gây ra những thiệt hại mà Trung Quốc khó có thể bù đắp.

Trung Quốc có sẵn sàng hỗ trợ Nga bằng mọi giá?

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng được quan tâm là liệu Bắc Kinh có sẵn sàng hỗ trợ Moscow bằng mọi giá?

Theo Li Xin, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Khoa học chính trị và Luật Thượng Hải, “Quan hệ Trung Quốc – Nga đang ở mức cao nhất trong lịch sử, nhưng hai nước vẫn chưa phải là một liên minh”. Thậm chí, lợi ích của hai quốc gia láng giềng này cũng có nhiều xung đột.

Trong khi đó, quy mô thương mại giữa Trung Quốc và Nga dù đã tăng lên 146,9 tỉ đô la trong năm ngoái, nhưng vẫn chưa bằng một phần mười quy mô thương mại 1.600 tỉ đô la giữa nước này với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Do vậy, Bắc Kinh hiện chưa cho thấy, họ có thể sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi quan hệ kinh tế với Mỹ và phương Tây, để giúp đỡ Nga quá nhiều.

“Tất cả đều phụ thuộc vào việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng đối mặt với rủi ro mất quyền tiếp cận các thị trường phương Tây để giúp đỡ Nga hay không, và tôi nghĩ câu trả lời là không. Nga không phải một thị trường đủ lớn để Trung Quốc làm điều đó,” Mark Williams – chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics nhận định.

Các chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh có thể hỗ trợ Moscow trong việc ứng phó với các biện pháp trừng phạt nhằm vào ngành tài chính ngân hàng, hay kiểm soát xuất khẩu công nghệ, tuy nhiên sẽ chỉ dừng ở những giới hạn nhất định. Các công ty Trung Quốc có thể tận dụng tình hình, để kiếm tìm những thỏa thuận tốt hơn, nhưng đồng thời cũng sẽ né tránh việc vi phạm công khai các lệnh trừng phạt, dẫn tới rủi ro cho chính họ.

“Trung Quốc sẽ hỗ trợ Nga về mặt tài chính và thương mại, trong giới hạn mà các biện pháp trừng phạt cho phép”, chuyên gia Mark Williams dự báo. “Các công ty nhỏ và ngân hàng có thể né các biện pháp trừng phạt, nhưng các công ty lớn và chính phủ, sẽ không mạo hiểm tạo ra những sự rạn nứt trong quan hệ với phương Tây”.

Chuyên gia Li Xin cho biết, trong quá khứ, một số công ty dầu khí của Trung Quốc có hợp tác với Nga đã bị tổn hại vì các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. “Một viễn cảnh như vậy chính là điều mà các công ty Trung Quốc đang lo lắng”.

Các ngân hàng thương mại cũng sẽ cần đặc biệt cẩn trọng, bởi họ có hoạt động trên các thị trường tài chính, có liên kết với hệ thống đồng đô la. Theo Bloomberg, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, ít nhất hai ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc là ICBC và Bank of China đang hạn chế cấp vốn cho các hoạt động mua hàng hóa từ Nga, do lo ngại các biện pháp trừng phạt.

Theo Bala Ramasamy – giáo sư kinh tế tại trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc – châu Âu, mức độ hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga sẽ thay đổi tùy theo tình hình. “Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã không được cải thiện trong vài năm qua. Vì vậy, không thể kỳ vọng Trung Quốc sẽ bất ngờ tham gia đầy đủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, nếu xung đột tiếp tục kéo dài, và các biện pháp trừng phạt trở nên cứng rắn hơn, Trung Quốc có thể sẽ phải cân nhắc lại lập trường của mình”.

Song Thanh

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2024 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.