Vietstock - Tín hiệu đáng ngại về kinh tế thế giới
Nhiều nhà đầu tư xem giá đồng như chỉ báo quan trọng của nền kinh tế toàn cầu và đà giảm của kim loại này khiến họ lo ngại.
Giá đồng lao dốc vừa chạm mức đáy 16 tháng khi các thương gia bán tháo kim loại này. Chỉ trong 2 tuần, giá đồng đã giảm tới 11%.
"Giá đồng đang báo hiệu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại", ông Daniel Ghali, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại TD Securities, bình luận.
Kim loại này được dùng trong nhiều vật liệu xây dựng, bao gồm cả dây điện và ống nước. Do đó, đồng thường được xem là một chỉ báo về hoạt động kinh tế vì nhu cầu đồng có xu hướng nóng lên khi kinh tế tăng trưởng, và hạ nhiệt khi nền kinh tế suy yếu.
Đầu năm nay, sau khi Nga đổ quân vào Ukraine, giá đồng đã tăng vọt cùng với các kim loại quan trọng khác. Theo S&P Global, Nga chiếm 4% sản lượng đồng toàn cầu và gần 7% sản lượng nickel. Giới quan sát lo ngại nguồn cung thiếu hụt khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch. Do đó, họ đã mạnh tay mua vào để tích trữ.
Tuy nhiên, khi nỗi lo suy thoái xuất hiện, giá quay đầu lao dốc. "Một khi nhu cầu tích trữ chấm dứt, nhu cầu hàng hóa toàn cầu bắt đầu thay đổi theo xu hướng tăng trưởng", Ghali cho biết.
Mới đây, một chỉ số kinh tế được giới đầu tư theo dõi sát sao xác nhận rằng hoạt động kinh tế đã chậm lại. Chỉ số quản lý thu mua được S&P Global công bố hôm 23/06 cho thấy sản lượng của khu vực kinh tế tư nhân Mỹ đã ghi nhận tăng trưởng giảm tốc mạnh trong tháng 6.
"Sau khi tận hưởng sự bùng nổ nhu cầu khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhiều công ty dịch vụ bị ảnh hưởng khi các hộ gia đình chật vật đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao. Cùng với đó, những công ty sản xuất hàng hóa không thiếu yếu cũng chứng kiến lượng đơn đặt hàng lao dốc", Chris Williamson, Chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, chia sẻ.
Các doanh nghiệp tỏ ra căng thẳng về triển vọng kinh tế khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất quyết liệt để kiểm soát lạm phát.
Hồi tuần trước, Fed đã thực hiện đợt tăng lãi suất thêm 0.75 điểm phần trăm – đợt tăng mạnh nhất trong vòng 28 năm qua để kiềm chế sự leo thang giá cả. Chi phí sinh hoạt tại Mỹ trong tháng 5 đã tăng 8.6% so với cùng kỳ năm ngoái – mức tăng lớn nhất trong 40 năm – và có khả năng còn cao hơn trong mùa hè.
Giới hoạch định chính sách đã thừa nhận những thách thức lớn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, đồng thời cắt giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay từ 2.8% xuống còn 1.7%. Kết quả này kém xa mức tăng trưởng 5.7% mà nền kinh tế đã đạt được trong năm ngoái.
“Niềm tin của doanh nghiệp hiện đang ở mức báo hiệu về sự giảm tốc kinh tế, qua đó càng thổi bùng nỗi lo suy thoái”, Williamson cho biết.
Tại châu Âu, trong tháng 6, chỉ số PMI tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 16 tháng. Còn Trung Quốc - động lực quan trọng của nền kinh tế toàn cầu - vẫn đang chật vật với dư chấn từ các đợt phong tỏa ngăn Covid-19. Cùng với đó là sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản.
Nền kinh tế của đất nước có một số dấu hiệu cải thiện trong tháng 5. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ đã giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp.
Ông Darwei Kung, Giám đốc danh mục hàng hóa tại DWS, cho rằng tăng trưởng ở Trung Quốc được dự báo đi lên vào cuối năm nay và điều đó đó sẽ kéo giá đồng và các kim loại khác gia tăng. "Tôi không chắc điều đó sẽ xảy ra lúc nào, nhưng vấn đề chỉ là thời gian", ông chia sẻ.
Trong khi đó, giá đồng có thể tiếp tục lao dốc một khi vẫn còn những lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế. "Trong trung hạn, nhiều khả năng đồng sẽ giảm giá, nhất là khi chúng ta nhìn vào kịch bản suy thoái", ông Ghali nhận định.
Vũ Hạo (Theo CNN)