Vietstock - Tăng mạnh chưa lâu, đồng Baht Thái Lan lại giảm chóng mặt nhất châu Á
Một cơn bão hoàn hảo đang bủa vây đồng Baht của Thái Lan, trong khi lực lượng có thể giải cứu lại ở rất xa - hãng tin Bloomberg nhận định.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
|
Thâm hụt tài khoản vãng lai, đồng USD tăng giá mạnh và mùa chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư Nhật Bản ở Thái Lan. Tất cả những yếu tố này đều góp phần khiến Baht trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất thuộc các nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á trong tháng 3. Tuy nhiên, chính triển vọng u ám của ngành du lịch mới là nguyên nhân chính đẩy tỷ giá giữa đồng nội tệ của Thái Lan với đồng USD xuống mức thấp nhất trong 5 tháng. Đây được xem là một "bài kiểm tra" đối với xu hướng tăng đã kéo dài 4 năm qua của Baht.
Năm ngoái, tỷ giá Baht so với USD đã tăng gần 9% trong thời gian kể từ lúc thiết lập mức đáy của năm vào tháng 4 cho tới cuối năm. Dòng vốn nóng toàn cầu đã chảy mạnh vào Thái Lan khi giới đầu tư xem đồng Baht là một "vịnh tránh bão" trong bối cảnh thị trường tài chính biến động vì đại dịch Covid-19. Đồng Baht tăng giá đã trở thành một mối đe dọa đối với tăng trưởng kinh tế Thái Lan năm 2020.
Bước sang năm 2021, câu chuyện tỷ giá Baht lại diễn biến theo một chiều hướng hoàn toàn trái ngược. Tình trạng vắng bóng du khách do dịch bệnh, cộng thêm tài khoản vãng lai của Thái Lan chuyển sang trạng thái thâm hụt, khiến Baht đuối sức nhanh chóng.
Giới phân tích cho rằng lực lượng quan trọng nhất để Baht hồi giá là sự trở lại của đông đảo du khách quốc tế, nhưng điều này khó diễn ra trong năm 2021.
"Nhân tố kích thích thực sự cho nền kinh tế Thái Lan là sự trở lại của du khách quốc tế, mà đây là việc khó đạt được trong năm nay", chuyên gia kinh tế trưởng Prakash Sakpal thuộc ING Groep ở Singapore nhận xét. "Tôi sẽ ngạc nhiên nếu đồng Baht Thái Lan sớm có lại được sự hỗ trợ như trước đây, bởi thặng dư cán cân vãng lai sẽ không sớm quay trở lại".
Đại dịch kéo dài hơn 1 năm qua đã khiến tài khoản vãng lai của Thái Lan thâm hụt 3 tháng liên tiếp sau 6 năm thặng dư. Theo dữ liệu của ING, ngành du lịch đóng góp hơn 62% thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong năm 2019.
Châu Âu - nguồn du khách lớn thứ nhì của Thái Lan đang phải chống chọi với một làn sóng Covid mới, nên lượng khách châu Âu thăm Thái Lan khó hồi phục sớm. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) mới đây đã giảm dự báo lượng du khách quốc tế thăm nước này trong năm nay còn 3 triệu lượt, từ mức dự báo 5,5 triệu lượng đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, và chỉ bằng 1/10 so với con số 39,9 triệu lượt du khách đặt chân tới nước này năm 2019.
Thâm hụt tài khoản vãng lai khiến đồng Baht càng dễ tổn thương hơn trước xu hướng tăng gần đây của đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, cũng như hoạt động chuyển lợi nhuận về nước do yếu tố mùa vụ của các doanh nghiệp Nhật.
Theo số liệu do ông Kobsidthi Silpachai, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường vốn thuộc Kasikornbank ở Bangkok, trong quý 1 năm ngoái, các công ty Nhật làm ăn ở Thái Lan đã chuyển 3,5 tỷ USD về nước.
Ngoài ra, việc Thái Lan nhập khẩu mạnh vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân khi giá vàng quốc tế giảm sâu gần đây cũng gây thêm sức ép lên Baht.
Trong tháng 3, đồng Baht mất giá khoảng 2,7%, nâng tổng mức giảm từ đầu năm lên 4,1%. Ngày 30/3, Baht giao dịch ở mức 31,25 Baht đổi 1 USD, mức thấp nhất từ tháng 10 năm ngoái.
Tuy vậy, sự mất giá của đồng Baht lại là tin tốt đối với BoT, sau khi ngân hàng trung ương này phải ra sức ngăn đà tăng giá củ đồng nội tệ trong năm ngoái.
"Các nhà hoạch định chính sách Thái Lan sẽ cảm thấy thoải mái với xu hướng mất giá của Baht, điều mà họ đã cố gắng trong thời gian dài để đạt được thông qua những biện pháp can thiệp vào thị trường. Baht xuống giá sẽ có lợi cho sự phục hồi của hoạt động xuất khẩu và ngành du lịch Thái Lan", ông Sakpal nói.
An Huy