Vietstock - Tăng 14% trong 5 ngày, Trung Quốc xuất hiện nguy cơ bong bóng chứng khoán?
Diễn biến đầy kịch tính trên thị trường chứng khoán Trung Quốc trong tuần qua đang khơi gợi lại ký ức đáng sợ về hiện tượng bong bóng của 5 năm về trước.
Xét theo nhiều khía cạnh, nhịp tăng tuần qua cũng tương tự với những gì đã xảy ra kể từ những tuần cuối cùng của năm 2014. Chỉ số CSI 300 hiện tăng 14% trong 5 ngày, tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2014. Một chỉ số về momentum (đà) của chỉ số CSI 300 cũng ở mức mạnh nhất kể từ cuối năm 2014.
Cổ phiếu của các công ty môi giới chứng khoán tăng mạnh khi giá trị giao dịch hàng ngày vượt ngưỡng 1.5 ngàn tỷ Nhân dân tệ (213 tỷ USD) lần đầu tiên kể từ năm 2015, cho thấy sự tham gia ngày càng cuồng nhiệt của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trước ngày 06/07, chỉ số CSI chỉ tăng hơn 5% kể từ khi bong bóng năm 2015 phát nổ.
Môi trường lãi suất thấp và lần ghi nhận thua lỗ đầu tiên của một số sản phẩm quản lý tài sản nổi tiếng đang lôi kéo những người tiết kiệm Trung Quốc chuyển sang chứng khoán. Đà tăng hiện tại cũng được hỗ trợ phần nào bởi những lời lẽ mang tính khuyến khích từ phương tiện truyền thông quốc gia. Trang nhất của tờ China Securities Journal cho biết việc nuôi dưỡng một thị trường con bò “khỏe mạnh” sau đại dịch hiện quan trọng hơn bao giờ hết đối với nền kinh tế. Mạng xã hội Trung Quốc cũng bùng nổ với những lượt tìm kiếm “mở tài khoản chứng khoán”. Ngoài ra, tâm lý lạc quan cũng thúc đẩy đồng Nhân dân tệ.
Thế nhưng, cũng có những khác biệt quan trọng giữa hiện tại và cuối năm 2014 – bao gồm cả mức định giá thấp hơn. Và mặc dù ngày càng nhiều trader vay nợ để mua cổ phiếu, nhưng lượng đòn bẩy trên thị trường chứng khoán hiện chỉ bằng 50% so với mức đỉnh của 5 năm trước. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đưa ra biện pháp tiếp cận thận trọng hơn về thanh khoản trong ngày thứ Hai (06/07), cụ thể rút vốn ra khỏi hệ thống tài chính trong 7 ngày liền.
“Khó có khả năng xảy ra quá trình hưng thịnh rồi sụp đổ (boom & bust) như những gì chúng ta chứng kiến trong năm 2014 và 2015”, Dai Ming, Chuyên gia quản lý quỹ tại Hengsheng Asset Management, cho hay. “Thị trường không hề ngập trong tiền như lần trước. Bắc Kinh cũng đang rất cẩn trọng với chính sách tiền tệ”.
Việc đánh giá lạc quan về chứng khoán là một trò chơi nguy hiểm tại Trung Quốc – nơi lựa chọn đầu tư khá hạn chế vì các biện pháp kiểm soát vốn. Trong năm 2014, những lời lẻ mang tính khích lệ từ phương tiện truyền thông Nhà nước đã giúp hồi sinh nhu cầu đầu tư vào một thị trường cổ phiếu khá buồn tẻ tại thời điểm đó. Kết quả là họ đã châm ngòi cho bong bóng đầu cơ – xuất phát từ nợ. Bong bóng vỡ ra và cuốn bay 5 ngàn tỷ USD vốn hóa trên thị trường. Cũng như khi đó, các cơ quan quản lý gần đây tung ra các biện pháp để khuyến khích giao dịch, bao gồm các biện pháp tiếp cận mới về các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
“Nhà nước đang rất sợ tạo ra thêm một bong bóng như trong năm 2015. Họ biết rằng tác động tiêu cực đến tâm lý từ vụ phát nổ bong bóng còn lớn hơn cả những lợi ích từ đà tăng mạnh khi bong bóng phình to”, Wang Zhuo, Chuyên gia quản lý quỹ tại Shanghai Zhuozhu Investment Management, cho hay.
Chỉ số CSI 300 hiện tăng 14% trong năm 2020 và đang dao động ở mức đỉnh 5 năm. Đây là một trong những chỉ số tăng mạnh nhất trên toàn cầu. Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) kỳ hạn 14 ngày tăng lên 88, cao nhất kể từ tháng 12/2014. Chỉ số Shanghai Composite tăng 5.7% trong ngày 06/07, mức leo dốc mạnh nhất trong 5 năm. Hợp đồng tương lai chỉ số SSE 50 tăng 9.1%.
Cổ phiếu của các công ty môi giới – thường là kim chỉ nam về tâm lý thị trường – dẫn dắt đà tăng trong ngày 06/07. Trong đó, chỉ số theo dõi các công ty môi giới chứng khoán niêm yết tại Hồng Kông tăng mạnh nhtas trong gần 4 năm. Hơn 10 công ty môi giới tại Trung Quốc tăng trần 10%. China International Capital Corp. đã nâng mục tiêu giá đối với ngành này, dự báo thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi giá trị trong 5-10 năm tới.
Tâm lý chấp nhận rủi ro ngày càng tăng là một trong những nguyên do chính đằng sau làn sóng bán tháo không ngừng nghỉ trên thị trường trái phiếu Chính phủ Trung Quốc, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Làn sóng bán tháo còn lan sang cả thị trường tín dụng, trong đó các công ty ngừng kế hoạch bán trái phiếu khi chi phí vay tăng mạnh. Họ cũng hủy các thỏa thuận trị giá 11 tỷ USD trong tháng 6/2020.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)