Vietstock - Rút khỏi Trung Quốc, các công ty Nhật đối mặt rào cản gì?
Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản đang tìm cách thoát khỏi Trung Quốc (từng phần hoặc toàn phần) khi đại dịch Covid-19, xung đột Mỹ-Trung và chi phí lao động ngày càng tăng vẽ ra tương lai tối màu.
Thế nhưng, việc rút hoạt động khỏi Trung Quốc có thể phức tạp và đầy rủi ro, nhất là liên quan đến vấn đề lao động, theo các chuyên gia pháp lý.
“Nhiều công ty Nhật Bản, nhất là các công ty vừa và nhỏ, đang suy xét lại hoạt động tại Trung Quốc”, Ko Wakabayashi, Trưởng văn phòng luật Anderson, Mori & Tomotsune chi nhánh Bắc Kinh, nhận định.
Trong khi Trung Quốc vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty công nghệ, nhiều công ty Nhật Bản muốn tận dụng hình kinh tế hiện tại nhằm loại bỏ các chi nhánh không có lãi tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, rút vốn đột ngột cũng đi kèm với rủi ro. Theo luật sư Yasuyuki Suzuki, cách tốt nhất để các công ty này rút khỏi Trung Quốc một cách an toàn là bán cổ phần. Sau khi tìm được người mua, rào cản pháp lý tiếp theo là được sự chấp thuận của các cổ đông và nộp tài liệu cho Chính phủ.
Một khi đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch bán cổ phần, giấy tờ thủ tục có thể hoàn tất trong vài tháng. Đây là cách rời đi không quá tốn kém và nhanh chóng.
Quan trọng là nó làm giảm thiểu rủi ro nhân viên kiện tụng. Điều này khiến việc tìm người mua lại là yếu tố quan trọng để rút hoạt động khỏi Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, rất hiếm khi công ty nước ngoài ở Trung Quốc nộp đơn xin phá sản. Luật sư Takashi Nomura cho biết: “Hầu như chưa có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài nào rút khỏi Trung Quốc thông qua biện pháp phá sản".
Nếu không tìm ra người mua, thì giải thể và thanh lý tài sản là phương án lựa chọn kế tiếp. Quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian và thủ tục pháp lý, cũng như các vấn đề về nhân sự hơn. Ngoài ra, phương án này cũng tốn kém hơn bởi các công ty Nhật Bản phải trả các khoản bồi thường thôi việc lớn và rủi ro về thuế bổ sung.
Theo các chuyên gia, rất hiếm khi công ty nước ngoài ở Trung Quốc nộp đơn xin phá sản. Luật sư Takashi Nomura cho biết: “Hầu như chưa có trường hợp doanh nghiệp nước ngoài nào rút khỏi Trung Quốc thông qua biện pháp phá sản".
Dù lựa chọn con đường nào, công ty cũng có rủi ro đối mặt với tranh chấp lao động cao hơn hầu hết quốc gia lớn khác.
Các công ty hoạt động ở Trung Quốc phải bồi thường cho người lao động bị buộc chấm dứt hợp đồng làm việc. Mặc dù khoản tiền này được quy định hợp pháp trong bộ luật, các công ty nước ngoài thường phải trả nhiều hơn các công ty Trung Quốc và đôi khi bị buộc tuân thủ những yêu cầu bất hợp lý.
Khi Sony tuyên bố bán một nhà máy ở tỉnh Quảng Đông cho một công ty địa phương trong năm 2016, các nhân viên của Sony đã tổ chức biểu tình đòi bồi thường. Theo mặt pháp lý, Sony không bắt buộc phải thanh toán, nhưng hãng cuối cùng chấp nhận trả 16,000 yên (151 USD)/nhân viên "như là phần thường vì đã cống hiến cho công ty".
Một lộ trình được xây dựng cẩn thận là yếu tố quan trọng để nhận được sự thấu hiểu của các nhân viên khi đưa ra quyết định đóng cửa hoặc cắt gảim nhân sự.
"Gần đây có ngày càng nhiều công ty bị tấn công trên các trang mạng xã hội bởi sự ra đi của họ", một luật sư địa phương cho biết. "Các công ty cần xây dựng một kế hoạch rút lui cẩn thận để nhân viên hiểu rõ quyết định cắt giảm hay đóng cửa công ty trong giai đoạn này”.
Zhou Jiaping, một luật sư Trung Quốc và từng làm việc trong một công ty Nhật Bản tại Trung Quốc, cho rằng: "Nhiều tranh chấp về vấn đề rút vốn kinh doanh tại các công ty Nhật Bản là do sự thiếu nhất quán giữa trụ sở chính tại Nhật Bản và các đơn vị kinh doanh tại địa phương".
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)