Vietstock - Phố Wall ghi nhận quý giảm mạnh nhất trong 2 năm
Chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Năm (31/3), khi nhà đầu tư kết thúc quý đầu tiên đầy khó khăn trên Phố Wall.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones rớt 550.46 điểm (tương đương 1.56%) xuống 34,678.35 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1.57% còn 4,530.41 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite lùi 1.54% xuống 14,220.52 điểm. Mức giảm sâu hơn trong giờ giao dịch cuối cùng, và chứng khoán đã khép phiên ở mức đáy.
Ngày thứ Năm đánh dấu phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 và quý đầu tiên, điều này có thể góp phần vào đà giảm điểm vào cuối phiên khi các nhà quản lý tiền tệ chuyên nghiệp điều chỉnh danh mục đầu tư của họ vào cuối kỳ.
Trong quý đầu tiên, Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 4.6% và 4.9%. Nasdaq Composite sụt 9%. Đây là quý tồi tệ nhất đối với cả 3 chỉ số kể từ quý 1/2020, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ và chứng kiến S&P 500 lao dốc 20%. Sự khởi đầu của chu kỳ nâng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), lạm phát cao và cuộc chiến Nga – Ukraine đều góp phần vào khó khăn cho thị trường chứng khoán trong quý này.
Tuy nhiên, tháng 3 có một chút điểm sáng, khi các chỉ số chính đã có đợt phục hồi mạnh trong 2 tuần cuối tháng. S&P 500 và Nasdaq Composite tăng hơn 3% trong tháng 3, còn Dow Jones cộng 2.2%.
Nhóm cổ phiếu chất bán dẫn và phần cứng công nghệ chịu áp lực vào ngày thứ Năm trong bối cảnh các chuyên gia phân tích lo ngại về thị trường máy tính PC trong tương lai. Cổ phiếu AMD sụt hơn 8% sau khi Barclays hạ bậc cổ phiếu này. Trong khi đó, cổ phiếu HP Inc (NYSE:HPQ) và Dell lần lượt giảm 6.5% và 7.6%, sau khi bị Morgan Stanley hạ bậc cổ phiếu.
Cổ phiếu Walgreens Boots Alliance mất 5%, gây áp lực lên Dow Jones.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là một lĩnh vực đỏ lửa khác, với cổ phiếu JPMorgan Chase rớt 3% và cổ phiếu Goldman Sachs (NYSE:GS) lùi 1.6% khi đường cong lợi suất thu hẹp.
Về dữ liệu kinh tế, chỉ số giá PCE cốt lõi, một thước đo lạm phát quan trọng được Fed theo dõi, tăng 5.4% trong tháng 2 so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với dự báo 5.5%.
Thị trường giảm điểm trong ngày thứ Năm ngay cả khi có một số hỗ trợ đến từ lĩnh vực năng lượng.
Giá dầu đã giảm, với hợp đồng dầu WTI tương lai sụt hơn 6% xuống khoảng 100 USD/thùng, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch giải phóng 1 triệu thùng dầu/ngày từ kho dự trữ chiến lược (SPR) trong 6 tháng.
Tại Ukraine, quân đội Nga tiếp tục giữ các vị trí xung quanh Kyiv và bao vây thủ đô, theo các quan chức tình báo Anh. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các khoản thanh toán khí đốt của Nga sẽ cần phải thực hiện bằng đồng Rúp, Reuters đưa tin, càng làm phức tạp thêm các vấn đề cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước tại Mỹ là 202,000 người, cao hơn so với dự báo 196,000 người thất nghiệp từ Dow Jones. Thu nhập cá nhân tăng 0.5%, đáp ứng kỳ vọng, còn chi tiêu tiêu dùng tăng nhẹ hơn dự báo.
An Trần (Theo CNBC)