Vietstock - Đồng Yên Nhật có thể giảm giá xuống mức thấp nhất 30 năm so với USD
Tỷ giá đồng Yên Nhật so với USD có thể giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990, do chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng nghịch chiều...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters. |
Theo hãng tin Bloomberg, đây là nhận định được đưa ra bởi chuyên gia Eisuke Sakakibara, người có biệt danh là “Mr. Yen” vì khả năng gây ảnh hưởng lên tỷ giá đồng Yên trong nhiệm kỳ của ông trên cương vị Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản từ năm 1997-1999. Ông Sakakibara nói rằng sự ngược chiều giữa chính sách trở nên cứng rắn của Fed và chính sách tiếp tục nới lỏng của Nhật Bản là lý do quan trọng nhất khiến đồng Yên tụt giá so với đồng bạc xanh.
Cho tới khi khoảng cách chính sách tiền tệ Mỹ-Nhật được thu hẹp, đồng Yên sẽ tiếp tục đương đầu với áp lực giảm giá so với USD, vị chuyên gia dự báo.
“Thị trường đang kỳ vọng là đến cuối năm nay, Yên sẽ giảm về mức 140-150 Yên đổi 1 USD. Rất có khả năng dự báo này sẽ trở thành hiện thực”, ông Sakakibara, hiện là một giáo sư thuộc Đại học Aoyama Gakuin ở Tokyo, phát biểu. “Nếu tỷ giá giảm quá mức 150, tôi cho rằng BOJ sẽ ít nhiều lo lắng”.
Lần gần đây nhất tỷ giá Yên còn ở ngưỡng 150 Yên đổi 1 USD là vào tháng 8/1990.
Bán Yên Nhật đã trở thành một giao dịch vĩ mô được ưa chuộng trong năm nay, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh thúc đẩy nhà đầu tư rút vốn khỏi đồng tiền của Nhật để chuyển vốn sang đồng USD nhằm tìm kiếm mức lợi tức cao hơn. Trong khi đó BOJ vẫn cam kết duy trì chính sách tiền tệ nghiêng về nới lỏng, ngay cả khi đồng nội tệ mất giá. Lập trường này đặt ra khả năng xu hướng giảm của Yên so với USD khó sớm đảo chiều.
Trong tháng này, Yên có lúc giảm giá còn 131,35 Yên đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 2 thập kỷ. Với cú giảm này, Yên trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất trong 3 tháng trở lại đây trong số 10 đồng tiền chủ chốt của thế giới. Nếu tính từ đầu năm, tỷ giá Yên so với USD đã giảm hơn 11%.
Một cuộc khảo sát chuyên gia do Bloomberg thực hiện dự báo tỷ giá đồng Yên sẽ kết thúc năm 2022 ở mức 128 Yên đổi 1 USD, không có nhiều thay đổi so với mức hiện tại. Tuy nhiên, một số nhà dự báo gồm Commerzbank và Societe Generale cho rằng đến cuối năm, Yên có thể giảm về 150 Yên đổi 1 USD.
Tuy nhiên, không phải nhà dự báo nào cũng cho rằng Yên sẽ giảm giá thêm. Theo quan điểm của ngân hàng ANZ, tình trạng mất điểm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ sẽ khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống và làm mất đi lợi thế của đồng USD. Shinkin Asseet Management thì dự báo đồng Yên có thể hồi phục lên mức 125 Yên đổi 1 USD.
Sự sụt giá của đồng Yên đã khiến giới chức Nhật Bản phải đưa ra những tuyên bố nhằm mục đích hỗ trợ tỷ giá, nhưng hầu như không mang lại kết quả như mong muốn. Dù vậy, theo ông Sakakibara, khó có khả năng nhà chức trách đưa ra biện pháp can thiệp trên quy mô lớn, vì sự giảm giá này hoàn toàn hợp lý.
“Điều này xảy ra vì sự khác biệt trong chính sách tiền tệ”, ông nói. “Tôi không cho rằng BOJ hay Chính phủ Nhật Bản lo ngại về sự mất giá của hiện nay của đồng Yên”.
Diễn biến tỷ giá đồng Yên qua các thời kỳ. Đơn vị: Yên/USD. |
Cũng cần phải nói thêm rằng Yên Nhật không phải là đồng tiền duy nhất ở châu Á mất giá so với đồng USD từ đầu năm đến nay. Do nhiều nền kinh tế châu Á vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19, đồng nội tệ của các quốc gia như vậy khó tránh khỏi sức ép giảm giá khi Fed tăng lãi suất.
Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm giá mạnh từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh nước này phải triển khai nhiều đợt phong toả để chống Covid và triển khai các biện pháp nới lỏng để vực dậy tăng trưởng. Trong vòng 3 tháng qua, Nhân dân tệ đã giảm giá khoảng 7% so với đồng bạc xanh. Quý 1, Nhân dân tệ giảm 6,5%, trở thành đồng tiền mất giá mạnh nhất tại khu vực châu Á. Tháng 4 là tháng giảm giá mạnh kỷ lục của Nhân dân tệ, khi tỷ giá đồng tiền này trượt 4% so với USD.
An Huy