Vietstock - Đồng Bitcoin tại Nga có tránh được các lệnh trừng phạt?
Dù không bị kiểm soát bởi các định chế tài chính, Nga vẫn không thể sử dụng tiền mã hóa hay Bitcoin để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây.
|
Sau khi đưa quân vào Ukraine, Nga đối mặt hàng loạt biện pháp trừng phạt với mục tiêu cắt đứt sự liên kết của nước này khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Trước các đòn trừng phạt mạnh tay đi kèm cơn bão tài chính, tiền mã hóa đang để lại nhiều câu hỏi quan trọng về tương lai cũng như cách chúng đang được sử dụng.
Theo CNBC, vai trò của các loại tiền mã hóa như Bitcoin đang trở thành tâm điểm trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Khó chống lại lệnh trừng phạt
Giới tài phiệt và nhiều tổ chức tài chính chủ chốt của Nga hiện nằm trong danh sách trừng phạt của công ty Mỹ. Bên cạnh đó, Mỹ, Canada cùng phương Tây còn loại bỏ 7 ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi SWIFT, hệ thống nhắn tin liên ngân hàng kết nối 11.000 thành viên từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Không chỉ bị cản trở khả năng tiếp cận thị trường tài chính, lệnh trừng phạt đã đẩy giá trị đồng RUB xuống mức thấp chưa từng có. Điều này dẫn đến một cuộc tranh luận về việc tiền mã hóa, đặc biệt là Bitcoin, có thể là biện pháp trốn tránh sự trừng phạt hay không.
Tiền mã hóa không được phát hành hoặc nằm dưới sự kiểm soát bởi các định chế tài chính như ngân hàng trung ương. Hoạt động giao dịch của tiền mã hóa cũng đi qua mạng lưới riêng biệt, nằm ngoài con đường tài chính truyền thống.
Đặc điểm của tiền mã hóa có thể là ưu điểm đối với Nga. Song, bản chất của tiền mã hóa vẫn để lại một vài thách thức.
Quy mô thanh khoản của tiền mã hóa vẫn còn quá nhỏ so với thị trường tiền tệ. Ảnh: Reuters. |
Đầu tiên, blockchain, công nghệ nền tảng của Bitcoin, là một sổ cái công khai. Do vậy, mọi hoạt động luân chuyển của dòng tiền đều được quan sát dễ dàng.
“Quan niệm sai lầm nhất về tiền mã hóa là nghĩ nó không thể theo dõi và chủ yếu sử dụng cho mục đích bất chính”, Vijay Ayyar, Phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp và quốc tế tại sàn giao dịch tiền mã hóa Luno, chia sẻ.
Ngoài ra, khả năng thanh khoản của tiền mã hóa, ngay cả đồng tiền lớn nhất thế giới là Bitcoin, vẫn còn hạn chế. Vì vậy, giới tài phiệt hoặc công ty Nga khó lòng di chuyển lượng lớn dòng tiền qua kênh này.
“Tính thanh khoản ở thị trường tiền mã hóa chỉ là một phần nhỏ so với thị trường tiền tệ toàn cầu. Việc di chuyển lượng lớn tiền quy đổi bằng tiền mã hóa sẽ rất khó khăn”, ông nói thêm.
Ngoài ra, các sàn giao dịch tiền mã hóa cũng sẽ được cảnh báo về dòng tiền bất thường.
“Các sàn giao dịch hoạt động với quy trình và quy tắc ứng xử chặt chẽ chắc chắn sẽ cẩn thận theo dõi các quỹ có nguồn gốc bất chính”, Charles Hayter, CEO công ty dữ liệu CryptoCompare, nhận định.
Hôm 3/3, Brian Amstrong, CEO sàn giao dịch và ví Coinbase (NASDAQ:COIN), đã nhấn mạnh quan điểm này và khẳng định mọi doanh nghiệp Mỹ phải tuân theo luật pháp.
“Dù công ty bạn xử lý USD, tiền mã hóa, vàng, bất động sản hay thậm chí tài sản phi tài chính, luật pháp sẽ vẫn được áp dụng cho tất cả người dân và doanh nghiệp Mỹ”, Amstrong viết trên Twitter.
Ông tái khẳng định vai trò của Coinbase trong hệ thống luật pháp: “Đây là lý do vì sao chúng tôi sàng lọc những người đăng ký dịch vụ dựa trên danh sách theo dõi toàn cầu và chặn các giao dịch từ địa chỉ IP thuộc về cá nhân hoặc tổ chức bị trừng phạt. Chúng tôi tuân thủ luật lệ như bất cứ doanh nghiệp dịch vụ tài chính khác”.
Một số người Nga đang sử dụng tiền số như phao cứu sinh khi đồng nội tệ sụp đổ Brian Amstrong, CEO sàn giao dịch và ví Coinbase |
Tuy nhiên, CryptoCompare vẫn ghi nhận sự gia tăng đột biến về khối lượng giao dịch từ RUB sang Bitcoin hoặc USDT (một loại stablecoin có giá trị quy đổi 1:1 với USD) kể từ cuộc tiến công vào Ukraine. Hayter cho biết đây là động thái tìm nơi trú ẩn của giới đầu tư Nga trong bối cảnh đồng RUB trượt giá.
Đầu tuần này, các nhà lập pháp Mỹ bao gồm Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã hối thúc Bộ Tài chính đảm bảo các công ty tiền mã hóa tuân thủ lệnh trừng phạt đối với Nga.
Một quan chức Mỹ đồng thời khẳng định không có khả năng Nga có thể trốn tránh lệnh trừng phạt bằng tiền mã hóa.
“Tiền mã hóa sẽ không phải công cụ hiệu quả để nước Nga phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh”, Carol House, Giám đốc an ninh mạng của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, phát biểu.
Bitcoin có phải vàng kỹ thuật số?
Trong nhiều năm, những người ủng hộ Bitcoin coi đây là vàng kỹ thuật số. Họ quan niệm Bitcoin có thể giữ vai trò là một kho dự trữ giá trị, một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ hỗn loạn tương tự vàng.
Tuy nhiên, lý thuyết này ngày một sáng tỏ thời gian gần đây, đặc biệt khi Bitcoin đang có mối tương quan nhất định với các tài sản truyền thống rủi ro, ví dụ như cổ phiếu.
Nhưng, khi căng thẳng chiến sự tại Ukraine gia tăng, Bitcoin bắt đầu có diễn biến giá tích cực và tiến lên trên 44.000 USD/đồng.
Tiền mã hóa ngày càng có sự tương đồng với tài sản rủi ro truyền thống. Ảnh: BitcoinNews. |
Khái niệm vàng kỹ thuật số một lần nữa trở lại. Song, quan điểm này không được một số chuyên gia ủng hộ.
“Nơi trú ẩn an toàn là nơi tài sản giữ được giá trị trong thời kỳ thị trường biến động. Tiền mã hóa liên tục bị bán tháo kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thông báo đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất, cùng thời điểm với làn sóng bán tháo của chứng khoán. Đây không phải là định nghĩa về nơi trú ẩn an toàn”, Lux Thiagarajah, người đứng đầu giao dịch và quản lý tài khoản tại BCB Group, cho biết.
Theo ông Ayyar từ Luno, tương quan giữa Bitcoin và cổ phiếu, vàng đã giảm khá nhiều, một dấu hiệu tích cực để coi Bitcoin là nơi trú ẩn.
Bitcoin sẽ tiếp tục trưởng thành và lấy bớt thị phần từ vàng. Dẫu vậy, đây vẫn là câu chuyện mất rất nhiều thời gian.
Khả năng ứng dụng của blockchain
Những người yêu tích tiền mã hóa thường quảng cáo sự tiến bộ của công nghệ blockchain như giao dịch hiệu quả, có thể theo dõi hay không đi qua trung gian như giao dịch truyền thống.
Song, nhiều loại tiền mã hóa vẫn phải chịu mức phí cao và tốc độ giao dịch chậm. Một số thậm chí không thực sự tối ưu cho hoạt động thanh toán.
Khi cơ sở hạ tầng thiết yếu chịu thiệt hại và phát sinh nhu cầu chuyển tiền nhanh chóng ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống, bạn chỉ cần có Internet và một chiếc máy tính là đã có thể giao dịch. Garick Hileman, học giả thỉnh giảng tại trường kinh tế London |
Khi xung đột nổ ra, Ukraine bắt đầu chấp nhận các khoản đóng góp thông qua tiền mã hóa để tài trợ cho quân đội và vấn đề khác. Theo công ty phân tích Elliptic, Ukraine đã huy động thành công trên 50 triệu USD bằng tiền mã hóa.
Việc quyên góp thông qua các phương thức ngân hàng truyền thống có thể khó khăn hơn do chi phí gửi tiền ra nước ngoài cao và mất nhiều thời gian. Theo Garick Hileman, học giả thỉnh giảng tại trường kinh tế London, đây là thời điểm tiền mã hóa phát huy lợi thế.
“Đó là một trong những điểm hứa hẹn của tiền mã hóa”, Hileman nói.
Nhờ nằm trên một sổ cái công khai, ở một quy mô nhất định, người dùng còn có thể xem số tiền đã gửi đi đâu và được triển khai như thế nào.
Ngọc Phương Linh