Biến động này cho thấy các ngân hàng đang tập trung tích lũy tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền sau các vụ sụp đổ của hàng loạt ngân hàng vừa qua. Từ ngày 8/3 (tức ngay trước khi Silicon Valley Bank sụp đổ) đến ngày 22/3, tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại Mỹ đã giảm 300 tỷ USD, xuống còn 17.302 tỷ USD.
Tuy nhiên, tổng tài sản của các ngân hàng không giảm xuống tương ứng mà trái lại còn tăng thêm 297 tỷ USD, gần bằng số tiền gửi ra đi.
Cụ thể, khoản mục tài sản tăng trưởng mạnh nhất là tiền mặt, đi từ 2.971 tỷ lên 3.290 tỷ USD, tương ứng thêm 319 tỷ USD.
Biến động này cho thấy các ngân hàng đang tập trung tích lũy tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền sau các vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank cũng như tình hình bấp bênh của First Republic Bank.
Bên phía nguồn vốn, khoản mục tăng trưởng mạnh nhất là đi vay (borrowing) từ 1.947 tỷ lên 2.518 tỷ USD, tức là thêm 570 tỷ USD trong hai tuần.
Để hỗ trợ cho các ngân hàng trong giai đoạn khó khăn về thanh khoản, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã lập ra chương trình cho vay BTFP với điều khoản ưu đãi là nhận nhiều loại trái phiếu làm tài sản thế chấp ngang mệnh giá, trong khi giá thị trường hiện nay thấp hơn nhiều so với mệnh giá do lãi suất liên tục tăng cao.
Dư nợ Fed cho vay thông qua BTFP tăng từ 0 vào ngày 8/3 lên gần 54 tỷ USD vào ngày 22/3, rồi tiếp tục đạt hơn 64 tỷ USD vào ngày 30/3 vừa qua.
Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại còn vay thêm hơn 100 tỷ USD thông qua cửa sổ chiết khấu của Fed trong hai tuần từ 8/3 đến 22/3.
Các khoản vay chiết khấu này có kỳ hạn từ qua đêm tới 28 ngày và chỉ được cấp cho các tổ chức tín dụng được đánh giá là an toàn và đang hoạt động tương đối tốt.