Vietstock - Nhân dân tệ liệu có thể trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới?
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã được chào đón như một ứng cử viên đồng tiền dự trữ thế giới quan trọng ngang với đôla Mỹ và vượt qua đồng euro, yên và bảng Anh. Nhưng điều này có khả thi không?
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang leo lên vị trí hàng đầu trong các loại tiền tệ toàn cầu. Ảnh: AFP
|
Theo trang Asia Times, với thực tế Trung Quốc là quốc gia thương mại lớn nhất, với khoảng 125 quốc gia coi họ là đối tác thương mại lớn nhất, câu trả lời có lẽ là có.
Thương mại của Trung Quốc đạt giá trị khoảng 6 nghìn tỷ USD trong năm 2021, theo Tổng cục Hải quan nước này. Nếu Trung Quốc và các đối tác thương mại đồng ý sử dụng các loại nội tệ tương ứng của họ cho các giao dịch song phương, nhu cầu đối với đồng nhân dân tệ sẽ rất lớn. Điều này sẽ thúc đẩy nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quan trọng của thế giới.
Việc nhân dân tệ trở thành loại tiền tệ chính của thế giới hoặc được sử dụng như một sự thay thế cho đôla Mỹ không hẳn là một điều xấu. Chẳng hạn, các đối tác thương mại sử dụng tiền tệ của nhau để thanh toán đầu tư và các tương tác khác sẽ giảm chi phí giao dịch, giảm thiểu biến động tỷ giá hối đoái và tránh được các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ
Các biện pháp trừng phạt chống lại các quốc gia được coi là “không thân thiện” với Mỹ đã có tác động tàn phá không chỉ đối với các quốc gia bị nhắm mục tiêu, mà còn đối với các nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Mỹ. Ví dụ mới nhất là việc Mỹ và các đồng minh Âu - Á trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt không chỉ làm tê liệt nền kinh tế Nga, mà còn làm tổn thương chính những nền kinh tế đã trừng phạt Nga. Giá dầu khí và lương thực tăng vọt, đe dọa suy thoái kinh tế toàn cầu. Ở Mỹ và Tây Âu, nhiều gia đình đang phải lựa chọn giữa việc ăn uống và giữ ấm. Mặc dù các nền kinh tế của phương Tây đang phát triển, nhưng số lượng người nghèo và vô gia cư đã tăng lên, cho thấy tăng trưởng không được phân bổ một cách công bằng.
Nhân viên ngân hàng kiểm đếm nhân dân tệ tại Nantong, tỉnh Giang Tô ngày 1/2/2022. Ảnh: Imaginechina
|
Nhân dân tệ với vai trò một phương tiện trao đổi
Có lẽ do chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ mà một số quốc gia đang từ bỏ USD và chấp nhận nhân dân tệ trong một số hoạt động thương mại. Gần đây nhất, Saudi Arabia được cho là đang hoàn tất thỏa thuận với Trung Quốc để thanh toán các giao dịch dầu mỏ bằng nhân dân tệ.
Đáng chú ý không kém là khoảng 70 ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã nắm giữ đồng nhân dân tệ trong danh mục dự trữ ngoại hối của mình vào năm 2019, theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Con số đó chắc chắn sẽ tăng lên khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển.
Một yếu tố khác thúc đẩy các nước nắm giữ nhân dân tệ là mối lo ngại rằng họ có thể là mục tiêu tiếp theo của các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Những thách thức
Tuy nhiên, một số người cho rằng việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ ở mức độ tương đương với đôla Mỹ sẽ là một thách thức, chủ yếu là do cấu trúc quản trị và phát triển của Trung Quốc.
Một thách thức khác là đồng nhân dân tệ không thể chuyển đổi hoàn toàn, do đó đặt ra vấn đề đối với các giao dịch tài chính xuyên biên giới. Việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc áp dụng các biện pháp hành chính để xác định tỷ giá hối đoái Mỹ - nhân dân tệ cũng gây lo ngại.
Lợi thế ổn định chính trị
Sự ổn định chính trị rất quan trọng trong việc xác định sự chấp nhận một loại tiền tệ. Trường hợp điển hình là đồng đôla Mỹ.
Nước Mỹ có vẻ hỗn loạn về mặt chính trị với việc hai đảng lớn đấu với nhau. Tuy nhiên hệ thống quản lý “kiểm tra và cân bằng” - quyền lực ngang nhau giữa các nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp – đã duy trì sự minh bạch.
Nói một cách đơn giản, không có lý do gì để tin rằng chính phủ Mỹ có thể sớm sụp đổ bất cứ lúc nào, bất kể các chính sách của họ. Đây là lý do đồng đôla Mỹ sẽ tiếp tục là nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư và khoản tiết kiệm trên thế giới. Đồng bạc xanh đã được chứng minh là một kho lưu trữ giá trị tốt.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu Trung Quốc có thể mang lại mức độ tin cậy tương tự cho đồng nhân dân tệ hay không? Nhiều người ở phương Tây sẽ nói không. Nhưng một thực tế họ không thể phủ nhận là sự ổn định chính trị của Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) là một trong số rất ít các đảng chính trị trên thế giới thực sự hoàn thành nhiệm vụ được ủy thác. Ví dụ, CPC đã tuyên bố sẽ xóa bỏ tình trạng nghèo đói khủng khiếp, và họ đã làm được. Ở phương Tây, các chính phủ nói về xóa đói giảm nghèo hoặc biến đổi khí hậu, nhưng lại không hành động.
Từ quan điểm này, CPC đã chứng tỏ rằng một hệ thống độc đảng có thể đạt được sự ổn định chính trị. Trên môi trường đó, đồng nhân dân tệ là một phương tiện trao đổi và lưu trữ giá trị có thể chấp nhận được, mở đường cho việc trở thành đồng tiền dự trữ thế giới.
Trung Quốc không thả nổi hoàn toàn đồng nhân dân tệ chủ yếu nhằm mục đích duy trì tăng trưởng xuất khẩu. Ảnh: CNBC
|
Cải cách kinh tế, thả nổi tiền tệ
Trung Quốc đang thực hiện một cách tiếp cận dần dần trong cải cách kinh tế và thả nổi tiền tệ để tránh những sai lầm chính sách tốn kém và ngăn ngừa những cú sốc từ bên ngoài.
Về nhiều mặt, Trung Quốc vẫn đang trên đà học hỏi liên quan đến cải cách kinh tế, đặc biệt là chuyển đổi nền kinh tế thị trường xã hội sang kinh tế thị trường tư nhân. Việc duy trì các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngân hàng quốc doanh đóng vai trò như một yếu tố ổn định kinh tế và xã hội, ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính.
Việc tư nhân hoá các DNNN và ngân hàng quốc doanh mà không có một cơ chế chuyển đổi có trật tự rõ ràng sẽ là không khôn ngoan. Ví dụ, tư nhân hóa các DNNN có thể làm tăng chi phí năng lượng hoặc vận tải, từ đó có thể dẫn đến trục trặc kinh tế và tâm lý bất mãn trong xã hội.
Việc Trung Quốc không thả nổi hoàn toàn đồng nhân dân tệ chủ yếu nhằm mục đích duy trì tăng trưởng xuất khẩu và ngăn chặn các quỹ đầu cơ nước ngoài tấn công đồng nội tệ. Đồng nhân dân tệ thả nổi tự do rất có thể khiến giá trị của nó tăng lên, do đó Trung Quốc sẽ mất lợi thế về giá trong xuất khẩu.
Thu Hằng