Vietstock - Nhà đầu tư lãi bao nhiêu nếu mua cổ phiếu Facebook (NASDAQ:FB) 10 năm trước?
Dù tăng vượt trội so với chỉ số S&P 500, cổ phiếu Facebook "lép vế" so với các đại gia công nghệ Mỹ khác như Amazon (NASDAQ:AMZN), Apple, Alphabet...
Mark Zuckerberg, CEO của Meta Platforms - Ảnh: Benzinga |
Ngày 18/5/2012, Meta Platforms Inc – khi đó còn là Facebook – niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq.
Trong thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), công ty này phát hành hơn 421 triệu cổ phiếu với giá 38 USD/cổ phiếu, định giá của công ty ở mức 104 tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu này gần như đi ngang trong hơn một năm sau đó.
Từ giữa năm 2013, Meta bắt đầu tăng giá đều đặn tới giữa năm 2018, trước khi một loạt bê bối liên quan tới dữ liệu, quyền riêng tư, can thiệp bầu cử của Nga, tin giả... ập đến. Vượt qua một loạt thách thức, cổ phiếu Meta bắt đầu trở lại quỹ đạo tăng giá từ cuối năm 2018 và kéo dài tới đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát ảnh hưởng tới cổ phiếu doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực.
Sau khi chạm đáy vào đầu tháng 3/2020 theo xu hướng chung của thị trường, cổ phiếu Meta tiếp tục giai đoạn tăng giá kéo dài tới tháng 8/2021. Lúc này, Meta hứng chịu áp lực lớn khi một cựu nhân viên tố cáo công ty biết rõ rằng các ứng dụng của mình, bao gồm Facebook, được dùng để phát tán thông tin sai lệch, thù địch và bạo lực, nhưng không có nhiều hành động.
Diễn biến giá cổ phiếu Meta trong 10 năm qua - Nguồn: TradingView
|
Cổ phiếu Meta lao dốc sau những thông tin trên và quyết định gia nhập thị trường metaverse của công ty này cũng không xoa dịu được sự lo lắng của các nhà đầu tư. Facebook đổi tên thành Meta vào tháng 10/2021
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 năm ngoái được công bố hồi tháng 2, Meta gây sốc khi không đạt được mức dự báo của các nhà phân tích ở một số chỉ số. Nguyên nhân được Meta đưa ra là tình trạng khó khăn do những thay đổi về quyền riêng tư trên hệ điều hành iOS của Apple Inc (NASDAQ:AAPL), kinh tế vĩ mô suy yếu khiến các nhà quảng cáo phải cắt giảm chi tiêu và sự cạnh tranh của TikTok.
Tình hình kinh doanh của Meta – khởi sắc trở lại với kết quả kinh doanh quý 1/2022 khả quan.
So sánh năm 2012 – thời điểm IPO – với năm 2021, doanh thu của Meta đã tăng từ 5,09 tỷ USD lên 117,93 tỷ USD. Còn lợi nhuận trên một cổ phiếu tăng từ chưa tới 1 xu lên 13,77 USD/cổ phiếu. Người dùng hoạt động hàng tháng tăng từ 1,06 tỷ vào cuối năm 2012 lên 2,91 tỷ vào cuối năm 2021. Còn người dùng hoạt động hàng ngày tăng từ 618 triệu lên 1,93 tỷ.
Nếu nhà đầu tư mua 1.000 USD cổ phiếu Meta tại thời điểm IPO, số tiền này sẽ tăng lên thành 5.333 USD theo giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/5, tương đương tỷ suất lợi nhuận 433%. Trong cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 tăng 213%.
Tuy nhiên, so sánh với các “đại gia” công nghệ khác của Mỹ, tỷ suất lợi nhuận mà cổ phiếu Meta mang lại thấp hơn đáng kể. Trong 10 năm qua, giá cổ phiếu Apple đã tăng 821%, còn Microsoft (NASDAQ:MSFT) tăng 997%. Mức tăng của cổ phiếu Alphabet (công ty mẹ Google (NASDAQ:GOOGL)) và Amazon lần lượt là 647% và 957%.
Meta hiện đang phát triển hệ sinh thái công nghệ riêng, cho phép người dùng tiếp cận bằng bộ công cụ thực tế ảo Quest và ở đây, công ty có thể vận hành các cửa hàng ứng dụng của riêng mình mà không cần phụ thuộc vào những công ty như Apple và Google. Vấn đề là phải mất nhiều năm nữa metaverse và các công nghệ liên quan tới nó mới có thể được người dùng cũng như các nhà quảng cáo sử dụng rộng rãi. Do đó, giải pháp này được cho là chưa thể thay đổi thực tại của Meta trong ngắn hạn.
"Trong khi đó, nếu mảng kinh doanh cốt lõi của Meta tiếp tục chững lại và một lúc nào đó có thể bắt đầu suy giảm, điều này có thể chấm dứt đà tăng trưởng nhanh suốt thời gian dài của công ty này từ khi niêm yết cổ phiếu”, Gil Luria, chiến lược gia công nghệ tại công ty đầu tư D.A. Davidson, nhận xét.
Đức Anh