Vietstock - Ngân hàng Nga tăng lãi suất tối đa cho nhân dân tệ để thay thế USD và euro
Khi Nga cắt đứt với cả đồng USD và đồng euro, Ngân hàng VTB thuộc sở hữu nhà nước Nga đã áp dụng lãi suất tối đa 8% cho đồng nhân dân tệ của Trung Quốc để thu hút khách hàng mở tài khoản tiết kiệm bằng đồng tiền này.
Theo đài RT, Ngân hàng VTB lớn thứ hai Nga đã bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào cô lập hoàn toàn Nga về tài chính sau khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Ngân hàng VTB cho biết trong một tuyên bố: “Do tỷ giá hối đoái đồng USD và đồng euro tăng, nhiều khách hàng đang quan tâm đến đầu tư vào các loại tiền tệ khác và đồng nhân dân tệ là một trong những lựa chọn hợp lý, đầy hứa hẹn cho các quỹ đầu tư” .
Các khách hàng hiện tại có thể mở tài khoản tiền gửi từ xa trên VTB Online với số tiền tối thiểu là 100 nhân dân tệ. Tại các chi nhánh của VTB, họ có thể gửi tối thiểu 500 nhân dân tệ.
Theo ngân hàng VTB, ưu đãi mới nhất sẽ là giải pháp thay thế có lợi nhất cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ khác. Lãi suất hàng năm đối với khoản tiền gửi USD kỳ hạn ba tháng là 8% và với khoản tiền gửi euro là 7%.
Trong khi đó, khoản tiền gửi bằng đồng ruble kỳ hạn 6 tháng hiện có lãi suất hàng năm là 21%. VTB cho biết trong tuần qua, khách hàng đã đầu tư hơn một nghìn tỷ ruble vào các sản phẩm tiết kiệm truyền thống.
Các tổ chức tài chính của Nga đã phải chịu áp lực ngày càng lớn sau khi chịu các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine. Các ngân hàng đã phải quay sang Trung Quốc để bắt đầu sử dụng hệ thống UnionPay dành cho thẻ tín dụng sau khi Visa và Mastercard (NYSE:MA) thông báo ngừng hoạt động tại nước này.
Ông Khoon Goh, Giám đốc Nghiên cứu châu Á tại Australia & New Zealand Banking Group, cho biết: “Một số ngân hàng Nga không thể tiếp cận các loại tiền tệ khác, vì vậy nhân dân tệ có lẽ là giải pháp thay thế tốt nhất. Tuy nhiên, cách dễ nhất để Nga tăng nhân dân tệ là nhận nhân dân tệ thông qua các giao dịch. Khách hàng của các ngân hàng Nga là các nhà xuất khẩu có thể bán hàng cho Trung Quốc và nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
|
Trước đó, Mỹ đã cấm xuất khẩu, xuất khẩu lại, bán hoặc cung cấp dù là trực tiếp hay gián tiếp tiền USD từ Mỹ cho chính phủ Nga hoặc người ở Nga. Đây là một động thái nữa mà Mỹ thực hiện để tăng cường sức ép kinh tế với Nga. Cấm cung cấp USD cho Nga sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng đối với nước xuất khẩu dầu lớn này vì hầu hết hợp đồng dầu được thanh toán bằng đồng tiền của Mỹ.
Ngày 2/3, Liên minh châu Âu cũng cấm xuất khẩu và nhập khẩu tiền giấy euro sang Nga. Chỉ có ngoại lệ dành cho các cá nhân đến Nga, các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế có quyền miễn trừ pháp lý.
Trước đó, ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ thương mại bình thường với Nga. Một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết việc bỏ Quy chế "Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn" với Nga sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua, song các nghị sỹ từ cả hai viện đều bày tỏ ủng hộ bước đi này. Theo giới chuyên gia, nếu được thực thi, đây là sẽ động thái gia tăng sức ép mới nhất mà Mỹ và các đồng minh đưa ra đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, trong năm 2019, Nga là đối tác thương mại lớn thứ 26 của Mỹ, với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 28 tỷ USD. Các mặt hàng nhập khẩu hàng đầu từ Nga bao gồm khoáng sản nhiên liệu, kim loại quý và đá, sắt thép, phân bón và hóa chất vô cơ. Tất cả các mặt hàng này có thể phải chịu mức thuế cao hơn nếu Quốc hội Mỹ thông qua việc bãi bỏ quy chế trên. Trước đó, Tổng thống Biden đã thông báo áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu và các nguồn năng lượng khác của Nga.
Các biện pháp trừng phạt sâu rộng chưa từng có nhằm vào ngân hàng và giới tinh hoa của Nga, song song với lệnh hạn chế xuất khẩu, đã ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Nga. Hiện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái sâu trong năm nay.
Tuy nhiên, ngày 10/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này liên quan vấn đề Ukraine sẽ gây bất ổn các thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu, đẩy giá lương thực, thực phẩm toàn cầu tăng cao vì Nga là một trong những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Ông cũng khẳng định Nga sẽ vượt qua khủng hoảng và sẽ mạnh mẽ hơn.
Trong bối cảnh các nước phương Tây áp đặt trừng phạt Nga, Moskva đã đưa ra một số quyết định, bao gồm các biện pháp đáp trả trong lĩnh vực kinh tế cũng như các biện pháp tạm thời để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, tăng cường hỗ trợ các công ty đang bị trừng phạt để giúp duy trì việc làm và tiền lương. Ngày 9/3, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Moskva đã lường trước và có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với những biện pháp trừng phạt của phương Tây. Chính phủ Nga khẳng định có đủ nguồn lực để đảm bảo hệ thống tài chính ổn định trong bối cảnh hứng chịu các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài.
Thùy Dương