Vietstock - Nếu Tổng thống Trump kiện lên Tòa tối cao thì sẽ thế nào?
Vụ kiện chỉ được tiếp nhận trong trường hợp phiếu bầu không hợp lệ, và phải mất nhiều thời gian trước khi vụ kiện đến được Tòa tối cao.
* Chính sách và lời hứa tranh cử của Trump-Biden
* Kinh tế Mỹ thời Trump so với các tổng thống tiền nhiệm
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo Nhà Trắng đêm bầu cử 3.11. Reuters
|
Trong lúc các bang như Pennsylvania, Wisconsin và Michigan vẫn tiếp tục kiểm phiếu sau ngày bầu cử 3.11, thậm chí bang Nevada còn trì hoãn đến ngày 5.11 (giờ địa phương), Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích sự trễ nải trong việc công bố kết quả tại những bang này, và gọi đây là “nỗi xấu hổ cho nước Mỹ”.
“Đây là sự gian lận nghiêm trọng. Chúng tôi muốn luật pháp phải vào cuộc”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh. Các luật sư của ông được cho cũng đã sẵn sàng thách thức quy trình bầu cử, nhất là sau khi đảng Cộng hòa vừa kiện Ủy ban Bầu cử bang Pennsylvania tiến hành kiểm phiếu “bất hợp pháp” đối với các phiếu vắng mặt tại một số hạt ở bang này trước ngày bầu cử 3.11.
Ứng viên Biden tự nhận mê tín Trả lời phỏng vấn khi cử tri trên cả nước Mỹ đang bỏ phiếu bầu chọn tổng thống, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden chia sẻ rằng ông mê tín nên sẽ không dự báo kết quả. Tuy nhiên, ông vẫn “hy vọng” và bày tỏ sự tự tin vào số cử tri “lấn át” tại các bang và khu vực trọng yếu, theo CNN. Bên cạnh đó, ông cho rằng tại một số bang trước đây ủng hộ phe Cộng hòa vẫn khó lường về kết quả. “Thật không chắc chắn. Hãy xem, các bạn không thể nghĩ về một kỳ bầu cử gần đây với nhiều bang đang ở thế giành giật như thế”, ông phát biểu. Khi được hỏi ông sẽ làm gì nếu Tổng thống Donald Trump tuyên bố chiến thắng trước khi có kết quả rõ ràng, ông Biden cho biết ông không cảm thấy có trách nhiệm phải phản ứng. “Còn tùy vào việc ông ấy nói gì và nói như thế nào. Các tổng thống không quyết định việc đếm phiếu nào và không đếm phiếu nào, mà các lá phiếu sẽ quyết định ai là tổng thống. Cho dù ông ấy làm gì hay nói gì, các lá phiếu sẽ được đếm”, ứng viên Dân chủ nhấn mạnh. Khánh An |
Tuyên bố của Tổng thống Trump lập tức thu hút sự chú ý của giới chuyên gia pháp lý, nhưng họ cho rằng điều quan trọng hơn hết là liệu chiến dịch tái tranh cử của ông có đưa ra bằng chứng hữu hiệu để khởi động phiên tòa hay không.
Để bắt đầu, Tổng thống Trump và chiến dịch tái tranh cử của ông cần đệ đơn kiện lên tòa địa phương, tiếp đó là cuộc chiến pháp lý kéo dài tại tòa án liên bang.
Tạp chí Fortune dẫn lời Giáo sư Edward Foley, Đại học bang Ohio, phân tích rằng vụ kiện chỉ được tiếp nhận trong trường hợp phiếu bầu không hợp lệ, và phải mất nhiều thời gian trước khi vụ kiện đến được Tòa tối cao. Hiện Tổng thống Trump chưa đưa ra bất kỳ cơ sở nào cho một vụ kiện tiềm năng, và cũng chưa rõ đoàn luật sư của ông sẽ chọn tấn công mục tiêu nào.
Trong bài viết trên tờ Slate, chuyên gia luật bầu cử Mỹ Richard Hasen của Đại học bang California ở Irvine cho hay “không có lý do gì để từ chối đếm các lá phiếu hợp lệ gửi qua đường bưu điện đúng thời hạn, dù ủy ban bầu cử cấp bang không thể hoàn thành việc kiểm phiếu trong đêm bầu cử 3.11”. “Về mặt pháp lý, ông Trump không thể ngăn chặn công tác đếm lá phiếu vắng mặt được gửi đến đúng hoặc trước ngày bầu cử. Việc tuyên bố đâm đơn kiện lên thẳng Tòa án tối cao chỉ là sự phóng đại nếu chưa qua các tòa án địa phương”, luật sư Nicholas Whyte thuộc Công ty tư vấn luật APCO Worldwide (trụ sở ở Bỉ) nhận định.
Vào năm 2000, phải mất hơn 1 tháng trước khi Tòa tối cao đưa ra phán quyết lịch sử trong cuộc bầu cử giữa hai ứng viên George W.Bush và Al Gore, mang đến chiến thắng cho đảng Cộng hòa vào năm đó. Vẫn chưa rõ điều này có tái diễn hay không sau 20 năm.
Phúc Duy