Vietstock - 'Nằm thẳng' thách thức giấc mộng Trung Hoa
Khi không làm gì cả trở thành trào lưu sống của nhiều người trẻ Trung Quốc thì cũng là lúc giới lãnh đạo nước này lo lắng cho các ước vọng tương lai.
Những thanh niên “nằm thẳng”
Xuất phát từ bài đăng của một thanh niên họ La ngoài 20 tuổi trên mạng xã hội Baidu hồi tháng 4, chia sẻ việc bản thân chọn cuộc sống không có công việc ổn định, ít ham muốn, không áp lực và ở nhà của cha mẹ trong vòng 2 năm. Mỗi khi muốn làm việc, thanh niên này đến phim trường và chọn đóng vai xác chết. “Cuộc sống là chỉ nằm dài ra, nằm dài ra, nằm dài ra”, La viết trong bài đăng với tiêu đề “Nằm thẳng là công lý”, kèm theo hình ảnh anh nằm dài.
Bài đăng nhanh chóng lan truyền và tạo ra một làn sóng hưởng ứng khắp các trang mạng xã hội Trung Quốc. Từ đó, “tang ping” - tức nằm thẳng - dần kết nối nhiều người trẻ tuổi Trung Quốc vốn đang chịu tác động nặng nề của kinh tế giảm tốc và đại dịch Covid-19. Trào lưu trở nên phổ biến đến nỗi từ tầng lớp trí thức làm việc ở các đô thị lớn cho đến sinh viên đại học đua nhau tuyên bố họ là lớp “thanh niên nằm thẳng”.
Theo tờ South China Morning Post, những người theo đuổi triết lý nằm thẳng sẽ chỉ lao động ở mức tối thiểu và chỉ đủ để tồn tại. Thay vì nỗ lực học hành, làm việc để mua nhà, mua xe, lập gia đình, một bộ phận người trẻ Trung Quốc chọn cách không phấn đấu và từ bỏ các mục tiêu vừa nêu.
Một số người cho rằng trào lưu nằm thẳng là tuyên ngôn chống lại chủ nghĩa vật chất, một số nghĩ đó đơn giản chỉ là biểu hiện của sự lười biếng. Trong khi đó, cũng có những người cho rằng đó là hệ quả của thực tế nhiều người đã làm việc cật lực, nhưng chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc buông bỏ.
Trào lưu của một bộ phận giới trẻ đang khiến giới chức Trung Quốc lo ngại. Chụp màn hình SCMP |
Giới lãnh đạo không thể đứng nhìn
Sự lan rộng của trào lưu nằm thẳng đã đánh động đến giới lãnh đạo Trung Quốc. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình đã công khai lên án lối sống này vào ngày 15.10. Ông nói: “Cần phải ngăn chặn sự trì trệ của các giai cấp xã hội, khơi thông con đường cho xã hội đi lên, tạo cơ hội cho nhiều người trở nên giàu có hơn và tạo ra môi trường để mọi người đều tham gia, tránh việc thoái hóa và nằm thẳng”.
Theo South China Morning Post, phát biểu của Chủ tịch Tập đã nhắm tới trào lưu ở một bộ phận giới trẻ mà giới quan sát cho rằng có thể trực tiếp thách thức “giấc mộng Trung Hoa” mà chính ông theo đuổi với mục tiêu hướng tới điều mà giới lãnh đạo nước này gọi là sự phục hưng vĩ đại của dân tộc. Tuyên bố trên được ông Tập đưa ra chỉ 3 ngày trước khi Trung Quốc công bố tăng trưởng quý 3, với kết quả thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Và trào lưu nằm thẳng được cho là cũng “đạt đỉnh” trong quý 3.
Theo các nhà bình luận kinh tế - xã hội, về dài hạn, nằm thẳng không chỉ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và tiêu dùng mà còn có nguy cơ khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc xuống thấp hơn, đe dọa cấu trúc dân số lẫn hệ thống an sinh xã hội của đất nước này. Bác sĩ và các nhà tâm lý thì cho rằng việc duy trì lối sống như vậy trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, trầm cảm và rối loạn thể chất lẫn tâm lý khác.
Giới chức nước này đang dùng nhiều biện pháp để ngăn chặn sự lan truyền của lối sống nằm thẳng trên mạng. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng nhanh chóng vào cuộc. Nam Phương nhật báo, tờ báo của Tỉnh ủy Quảng Đông, gọi trào lưu này là đáng xấu hổ. Trong khi đó, Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Hoàn Cầu thời báo nói: “Người trẻ là hy vọng của đất nước này. Vì vậy, không ai hay cả đất nước này cho phép họ nằm yên tập thể”.
Hồi thập niên 1990 ở Anh có phân loại một nhóm người gia tăng lúc đó được gọi là NEET (không học hành, làm việc hay rèn luyện) để chỉ những người không có công việc mà cũng chẳng tìm kiếm việc làm. Khoảng năm 2010, khái niệm “thế hệ Satori” được đặt ra, nói về những người trẻ dường như không còn ham muốn vật chất và cũng chẳng muốn làm việc. Vài năm sau đó, Hàn Quốc nổi lên “thế hệ Sampo” chỉ những người từ bỏ việc yêu đương, hẹn hò, kết hôn và sinh con. Dần dần, thế hệ Sampo còn bao gồm cả những người không quan tâm đến việc làm, sở hữu nhà, mối quan hệ cá nhân và thậm chí cả hy vọng. Những trào lưu đó có phần tương tự lối sống nằm thẳng ở Trung Quốc, nhưng theo các nhà phân tích những gì đang xảy ra ở Trung Quốc là đáng lo hơn cả, và thực sự có thể trở thành mối đe dọa lớn với mục tiêu phát triển của Bắc Kinh. |
Ngọc Mai