Vietstock - Kinh tế Trung Quốc giai đoạn mới và hàm ý cho Việt Nam
Sau khi tiến hành cải cách, mở cửa, kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, tăng trưởng trung bình 10% suốt thời gian dài khoảng 30 năm, cho đến năm 2011. Từ năm 2012-2018, tăng trường kinh tế giảm tốc nhưng duy trì mức 7-8%.
Đây cũng là thời kỳ lãnh đạo Trung Quốc tự tin vào sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao của mình, và có kế hoạch thực hiện giấc mơ Trung Hoa là xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại và có ảnh hưởng lớn trên vũ đài quốc tế.
Để cụ thể hóa tham vọng này, năm 2013 Trung Quốc bắt đầu Sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI), năm 2025 công bố kế hoạch Chế tạo Trung Quốc 2025... Nhưng từ khoảng năm 2020, những thay đổi lớn của các yếu tố bên trong và bên ngoài làm cho kinh tế Trung Quốc bước vào một giai đoạn mới nhiều khó khăn...
Thị trường nhà ở Trung Quốc sụp đổ ngoài dự tưởng của các công ty bất động sản. Ảnh: globaltimes.cn
|
Giai đoạn mới của kinh tế Trung Quốc
Một đặc trưng quan trọng của kinh tế Trung Quốc là tỷ lệ đầu tư (trên GDP) rất cao và tỷ lệ tiêu dùng cá nhân rất thấp. Đặc trưng này có từ giai đoạn tăng trưởng cao và bây giờ trở thành vấn đề cơ cấu gây bất ổn trong nền kinh tế. Hơn nữa trọng tâm của đầu tư lại chuyển từ công nghiệp sang xây dựng nhà ở, trở thành nguyên nhân chính của giai đoạn suy thoái hiện nay.
Từ giữa thập niên 2000, tỷ lệ đầu tư trên GDP lên tới trên dưới 45% trong khi tỷ lệ tiêu dùng cá nhân chỉ khoảng 35%. Kinh nghiệm các nền kinh tế Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, trong thời kỳ tăng trưởng cao (trên dưới 10%/năm) cho thấy hiện tượng ngược lại (tỷ lệ đầu tư lúc cao nhất khoảng 35% còn tỷ lệ tiêu dùng cá nhân thì khoảng 45%).
Những năm gần đây tỷ lệ đầu tư của Trung Quốc vẫn còn ở mức trên 40%, riêng đầu tư vào xây dựng nhà ở đã chiếm khoảng 25% GDP. Từ giữa thập niên 2010, trước tình hình kinh tế tăng trưởng cao và khuynh hướng đô thị hóa tiến triển nhanh, các công ty bất động sản xem đây là cơ hội đạt lợi nhuận cao nên đã dựa vào vốn vay để tích cực đầu tư vào nhà đất. Trong hoạt động này có cả mục đích đầu cơ. Tuy nhiên, từ năm 2021 thị trường nhà ở suy sụp, nhu cầu giảm kéo theo giảm liên tục trong đầu tư vào lĩnh vực này. Nhu cầu nhà ở giảm ngoài dự tưởng của các công ty bất động sản.
Nhu cầu giảm mạnh do các nguyên nhân sau: Một là, do sự thay đổi cơ cấu dân số. Tỷ lệ người dân trong độ tuổi 30-35 (là nhóm người có nhu cầu mua nhà) trong tổng dân số bắt đầu giảm từ năm 2022. Hai là, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ rất cao (trên 20% so với trung bình của tất cả lao động là 5,5%) cho thấy khả năng mua nhà khi họ đến tuổi 30-35 rất nhỏ. Ba là, do giá đất quá cao nên giá nhà (giá căn hộ) quá đắt so với thu nhập của người có nhu cầu. Trung bình giá một căn hộ cao gấp 35 năm thu nhập khả dụng (sau khi trừ thuế, bảo hiểm) của công nhân viên Trung Quốc, trong khi con số tương tự ở Nhật Bản lúc cao nhất cũng chưa tới 20 lần.
Dưới chính sách của Trump 2.0, những nước được các công ty Trung Quốc chọn làm nơi trung chuyển sẽ bị Mỹ dùng các biện pháp bảo hộ mậu dịch mạnh hơn. Cơ cấu ngoại thương của Việt Nam hiện nay rất dễ bị tổn thương trong bối cảnh đó. |
Mấy năm gần đây, nhà mới xây và nhà cũ tồn đọng đều không bán được nên đầu tư vào xây dựng nhà cửa từ năm 2022 giảm liên tục, mỗi năm giảm 9-10%.
Nhiều công ty bất động sản gặp khó khăn. Nổi tiếng là sự sụp đổ của Tập đoàn Hằng Đại ( Evergrande (HK:3333)). Vào tháng 9-2021, tập đoàn này tuyên bố không trả nợ được. Nợ của tập đoàn này vào cuối năm 2022 đã lên tới 340 tỉ đô la Mỹ và bị đặt vào tình trạng sẽ bị thanh lý tài sản để trả nợ. Nhiều công ty xây dựng ở các thành phố địa phương cũng gặp khó khăn tương tự. Chính quyền địa phương không thu hồi được tiền sử dụng đất và thuế doanh nghiệp cũng giảm nên tài chính gặp khó khăn, nhiều nơi nợ chồng chất. Đầu tư công do đó giảm theo.
Ngoài khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc còn gặp khó khăn trong kinh tế đối ngoại do chính sách của Mỹ. Trước sự trỗi dậy và tham vọng của Trung Quốc, từ năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu có chính sách đối đầu kinh tế, trước tiên là áp thuế quan (tăng thêm 20%) lên hàng nhập từ Trung Quốc. Không dừng ở mậu dịch, tháng 5-2020 Mỹ phát biểu chiến lược mới trong đó chủ trương quan hệ Mỹ - Trung Quốc là cạnh tranh giữa các nước lớn, bao gồm hầu hết các mặt từ kỹ thuật, công nghệ đến sức cạnh tranh quân sự và các ngành công nghiệp chiến lược.
Các đạo luật về an ninh kinh tế, về xây dựng các ngành công nghiệp mũi nhọn, về hạn chế đầu tư từ Trung Quốc... lần lượt ra đời. Sang năm 2021, dưới thời Tổng thống Joe Biden, chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc được tiếp tục và đẩy lên một thứ nguyên cao hơn. Đó là xác lập chiến lược hợp tác với các đồng minh hoặc với các nước họ muốn thân thiện, đặc biệt là vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.
|
Ảnh hưởng của chiến lược, chính sách của Mỹ một mặt là hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc, hạn chế Trung Quốc tiếp cận với công nghệ tối tân của Mỹ và các nước đồng minh, và làm cho các công ty đa quốc gia phải chuyển cứ điểm sản xuất từ Trung Quốc về bản quốc (Mỹ, Nhật Bản...) và các nước/khu vực thứ ba như ASEAN, Ấn Độ.
Trung Quốc chịu ảnh hưởng nặng từ chiến lược của Mỹ. Nhiều công nghệ cao, nhiều mặt hàng chiến lược không thể nhập khẩu, ảnh hưởng đến việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn. Tổ chức Top 500 List hàng năm công bố thứ hạng 500 thương hiệu siêu máy tính (super computer) có hiệu năng cao nhất. Trong đó 10 thương hiệu mạnh nhất (tốp 10) được các giới chú ý, phân tích. Theo công bố mới nhất (tháng 11-2024), Trung Quốc không lọt được vào tốp 10 và các nhà phân tích cho rằng do Trung Quốc không nhập được các loại chip tối tân dùng cho super computer.
Ảnh hưởng nặng nhất có lẽ là trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Ngày càng nhiều công ty đa quốc gia chuyển cơ sở hoạt động đã có từ Trung Quốc sang nước khác. Chẳng hạn Honda của Nhật Bản đã đóng cửa nhà máy ở Quảng Đông, IBM (NYSE:IBM) của Mỹ tuyên bố sẽ đóng cửa phần lớn các hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) tại Trung Quốc. Nippon Steel đã bán hết cổ phần trong liên doanh Automotive Steel Sheets cho đối tác Trung Quốc, rút khỏi hoạt động tại nước này. Samsung chuyển phần lớn hoạt động sang Việt Nam.
Nhiều công ty đa quốc gia khác như Microsoft (NASDAQ:MSFT), Ericsson, Tesla (NASDAQ:TSLA), Amazon (NASDAQ:AMZN) và Intel (NASDAQ:INTC) đã thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự tại các chi nhánh ở Trung Quốc, báo hiệu xu hướng giảm hiện diện của mình tại thị trường này. Những dự án đầu tư mới cũng ngày càng giảm. Vốn đăng ký FDI năm 2023 giảm tới 85% so với năm trước. Thống kê về dòng chảy ròng FDI (dòng chảy vào trừ dòng chảy ra) cho thấy giảm mạnh từ giữa năm 2022, và ghi số âm trong quí 3-2023 và quí 2-2024. Kim ngạch thực hiện FDI của Nhật Bản tại Trung Quốc giảm liên tục từ năm 2022.
Việt Nam đang trở thành mối quan tâm của Mỹ trong chính sách đối với Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần thận trọng trong việc tiếp nhận FDI từ Trung Quốc. Chỉ nên chọn lựa những dự án FDI không có tính chất trung chuyển xuất khẩu và chọn lựa theo tiêu chí liên quan nhu cầu mới của Việt Nam. |
Do các yếu tố trong và ngoài nước đều không thuận lợi, kinh tế Trung Quốc liên tục giảm tốc. Như hình 1 cho thấy, trừ các năm 2020-2022 bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên tốc độ tăng trưởng lên xuống bất thường, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm tốc liên tục từ năm 2018. Trước Covid-19, năm 2019 tăng trưởng 6%, sau Covid-19, giảm còn 5,2% vào năm 2023 và theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì giảm còn 4,8% vào năm 2024.
Hướng đi tương lai
Trong thời gian qua, Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách ngắn hạn và nhiều chiến lược dài hạn để ổn định tình hình trước mắt và tạo điều kiện để phát triển nhanh hơn trong tương lai. Chính sách ngắn hạn có mục tiêu tăng nhu cầu nhà ở như giảm lãi suất vay nợ mua nhà (từ 5,63%/năm cuối năm 2021 xuống 3,97%/năm cuối năm 2023), giảm tỷ lệ tiền đóng trước lúc mua nhà, cho phép công ty khai thác nhà ở hoãn nợ... Nhưng do các yếu tố cơ bản đã nói (tỷ lệ số dân trong độ tuổi mua nhà giảm, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ ở mức cao), chính sách không cho thấy hiệu quả, theo nhiều dự báo mặt cầu sẽ trì trệ trong nhiều năm tới.
Về dài hạn, Trung Quốc công bố chiến lược tuần hoàn kép (phát biểu tháng 5-2020), tức là nhấn mạnh cả tuần hoàn trong nước (tăng nội nhu, làm cho chi tiêu cá nhân trở thành chủ đạo của tăng trưởng, đổi mới sáng tạo để tăng năng lực cạnh tranh của hàng sản xuất) và tuần hoàn đối ngoại (tiếp tục chú trọng xuất khẩu, thu hút FDI). Trong tuần hoàn kép thì tuần hoàn trong nước là chính nhằm nội chế hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc nước ngoài. Tuy nhiên, như đã nói, tỷ lệ của chi tiêu cá nhân trên GDP quá thấp và dân chúng bất an về tương lai nên không tích cực chi tiêu.
Tháng 12-2023, Hội nghị công tác kinh tế trung ương Trung Quốc phát biểu chính sách Tân chất sinh sản lực (xây dựng lực lượng sản xuất tân chất lượng) với mục tiêu tạo lập các tiền đề về hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực, năng lượng để phát triển những ngành tiên tiến nhất có hiệu suất và phẩm chất cao. Tuy nhiên, với tình hình quốc tế không thuận lợi và với nhiều quy chế ràng buộc đối với doanh nghiệp tư nhân như hiện nay, ít người hy vọng các chính sách mới này sẽ được thực hiện.
Hiện nay, các điều tra về ý kiến của doanh nghiệp nước ngoài và các dự báo đều cho thấy kinh tế Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn. Báo Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản vào tháng 10-2024 đã thực hiện cuộc thăm dò ý kiến đối với 3.000 nhà doanh nghiệp Nhật Bản về nhận định của họ đối với thị trường Trung Quốc. Kết quả làm nhiều người ngạc nhiên: Có tới 51% nhà doanh nghiệp cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ phát triển độ 2-3%, và 30% cho rằng nước này có thể tăng trưởng âm. Đồng thời, có tới 70% cho rằng sự quan trọng của thị trường Trung Quốc sẽ giảm và 30% cho rằng thị trường này không còn quan trọng đối với họ. Càng ngạc nhiên khi thấy có tới 80% nhà doanh nghiệp Nhật Bản tham gia cuộc khảo sát cho rằng Trung Quốc không còn là cứ điểm sản xuất quan trọng.
Trong hình 1, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc từ 2025-2030 là dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, vừa mới công bố (ngày 21-12-2024). Dự báo dựa trên tiền đề là Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ áp thuế 60% lên tất cả mặt hàng nhập từ Trung Quốc như đã tuyên bố (hiện nay thuế đối vi mạch điện tử là 50%, pin điện là 25%...). Dưới thể chế Trump 2.0 và với các chính sách phong tỏa công nghệ đã có của Mỹ, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng dưới 3% vào năm 2035. Thời kỳ dân số vàng ở Trung Quốc đã chấm dứt khoảng năm 2015, công nghệ đóng vai trò quan trọng hơn trong tăng trưởng kinh tế nên việc bị phong tỏa công nghệ sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc.
Hàm ý đối với Việt Nam
Tình hình kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Tóm tắt vài ý chính:
Thứ nhất, dòng chảy FDI từ Trung Quốc (kể cả những dự án mới không chọn Trung Quốc) và Việt Nam đang được các công ty đa quốc gia đánh giá cao. Đây là thời cơ để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao, tạo điều kiện để tăng trưởng nhanh hơn. Nhưng ta phải nỗ lực trong việc chọn lựa những dự án đầu tư chất lượng cao (về công nghệ, về môi trường, về nhu cầu công nghiệp hóa giai đoạn mới), không để dòng chảy FDI tự do vào Việt Nam.
Thứ hai, doanh nghiệp Trung Quốc cũng tích cực đầu tư ra nước ngoài, trong đó một phần không nhỏ là thông qua nước khác để tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Dưới chính sách của Trump 2.0, những nước được các công ty Trung Quốc chọn làm nơi trung chuyển sẽ bị Mỹ dùng các biện pháp bảo hộ mậu dịch mạnh hơn. Cơ cấu ngoại thương của Việt Nam hiện nay rất dễ bị tổn thương trong bối cảnh đó. Việt Nam hội nhập rất sâu vào thị trường thế giới (tỷ lệ của xuất và nhập khẩu trên GDP lên tới 160% năm 2023), và lại phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ trong xuất khẩu (Mỹ chiếm 28% trong xuất khẩu của Việt Nam năm 2023) và phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc (35% năm 2023).
Xuất siêu của Việt Nam đối với Mỹ lên tới 83 tỉ đô la Mỹ năm 2023, gấp đôi so với năm 2016, và trở thành nước xuất siêu lớn thứ ba đối với Mỹ, sau Trung Quốc và Mexico. Một điểm đáng lưu ý nữa là những năm gần đây Trung Quốc đầu tư khá ồ ạt sang Việt Nam. Năm 2023 số dự án đầu tư từ Trung Quốc chiếm 22% tổng dự án FDI ở Việt Nam, đứng đầu và bỏ xa nước thứ hai. Việt Nam rất có thể bị Mỹ đặt vào trường hợp xem xét có phải xuất khẩu hàng trung chuyển của Trung Quốc không.
Do các tính chất trên, Việt Nam đang trở thành mối quan tâm của Mỹ trong chính sách đối với Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam cần thận trọng trong việc tiếp nhận FDI từ Trung Quốc. Chỉ nên chọn lựa những dự án FDI không có tính chất trung chuyển xuất khẩu và chọn lựa theo tiêu chí liên quan nhu cầu mới của Việt Nam. Cần nói thêm, Chính phủ Trung Quốc đang có chính sách yêu cầu công ty nước mình khi thực hiện FDI không chuyển theo công nghệ cốt lõi. Chẳng hạn, vào tháng 7-2024, Bộ Thương vụ chỉ thị cho các công ty ô tô phải giữ công nghệ cốt lõi tại Trung Quốc, chỉ nên lắp ráp ở nước ngoài. Do đó, chất lượng các dự án FDI từ Trung Quốc thường không cao.
Trong hình 1, tăng trưởng của Việt Nam từ 2025-2030 là dự báo của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Nhật Bản với tiền đề Trump 2.0 sẽ đánh thuế 10-20% đối với hàng nhập khẩu từ các ngước ngoài Trung Quốc. Việt Nam là nước phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ nên tăng trưởng của kinh tế sẽ có khuynh hướng giảm so với năm 2024. Nếu chính quyền sắp tới của Trump xem Việt Nam là nước trung chuyển xuất khẩu của Trung Quốc và có biện pháp bảo hộ mạnh hơn thì kinh tế nước ta sẽ gặp khó khăn hơn.
Trần Văn Thọ