Vietstock - Kinh tế Mỹ ra sao khi Trump trở lại?
Một cuộc cải tổ kinh tế đang chờ đợi nước Mỹ khi Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã vạch ra lộ trình táo bạo nhằm định hình lại nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua hai công cụ chính: Thuế quan và kiểm soát người nhập cư.
* Ông Trump thắng cử Tổng thống Mỹ
Tân Tổng thống đắc cử cam kết sẽ tăng thuế quan đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và tiến hành đợt trục xuất người nhập cư lớn nhất trong lịch sử. Ông cũng mong muốn có tiếng nói trong chính sách của Fed. Nhiều nhà kinh tế nhận định các chính sách này sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới.
Trump cũng hứa hẹn cắt giảm thuế mạnh mẽ trong chiến dịch tranh cử. Tuy vậy, khả năng thực hiện điều này có thể phụ thuộc vào kết quả cuộc đua Hạ viện. Hiện tại, Đảng Cộng hòa chỉ mới giành được quyền kiểm soát Thượng viện. Nếu Hạ viện rơi vào tay Đảng Dân Chủ, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải đàm phán nhiều hơn với Quốc hội về chính sách tài khóa.
Các nhà phân tích cho rằng chính thuế quan của Trump sẽ có tác động lớn nhất đến nền kinh tế Mỹ. "Người đàn ông thuế quan" - như cách Trump tự nhận - đã vạch ra kế hoạch đánh thuế từ 10% đến 20% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu, và mức thuế đặc biệt 60% đối với hàng Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, khoảng 380 tỷ USD hàng hóa đã bị đánh thuế.
Trump cho rằng thuế nhập khẩu có thể giúp tăng doanh thu, đồng thời giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và đưa sản xuất trở lại trong nước. Hơn nữa, như Trump đã chứng minh trong lần cuối cùng tại vị, Tổng thống Mỹ có thể tự mình áp thuế mà không cần thông qua Quốc hội.
"Ông ấy sẽ bắt đầu ngay", Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nói. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy các chính sách này được thực thi rất nhanh và chúng sẽ có tác động ngay lập tức".
Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng lạm phát sẽ tăng do người tiêu dùng phải trả chi phí cao hơn khi nhà nhập khẩu chuyển phần chi phí tăng thêm cho họ.
Moody's nhận định dưới thời của ông Trump, lạm phát sẽ tăng lên ít nhất 3% vào năm tới - và thậm chí cao hơn nếu Đảng Cộng hòa thắng áp đảo - do thuế quan cao hơn và dòng lao động nhập cư giảm. Nếu các quốc gia bị áp thuế tiến hành trả đũa và cuộc chiến thương mại lại nổ ra, Mỹ sẽ phải đối mặt với "cú sốc đình lạm vừa phải", nhà kinh tế Jay Bryson của Wells Fargo chia sẻ trong một buổi hội thảo trực tuyến ngày 16/10.
Donald Trump
|
Kẻ thắng người thua
Một kịch bản như vậy sẽ đặt Fed vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Vừa muốn tăng lãi suất để chống lạm phát, nhưng đồng thời cũng muốn cắt giảm lãi suất để ngăn ngừa nguy cơ suy thoái, theo Jason Furman, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama.
"Trong kinh tế, mọi thứ đều có kẻ thắng người thua", ông Furman nói trong một buổi hội thảo trực tuyến ngày 17/10. "Trong trường hợp này, người thua cuộc là người tiêu dùng và hầu hết các doanh nghiệp".
Trump có thể sẽ có ý kiến về cách ngân hàng trung ương nên phản ứng. Ông nói với Bloomberg News rằng ông nên có "tiếng nói" về lãi suất vì ông nghĩ ông "có trực giác rất tốt". Việc Trump gây áp lực lên Fed trong nhiệm kỳ thứ hai sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại, bởi lịch sử cho thấy các quốc gia để chính trị gia điều hành chính sách tiền tệ thường phải đối mặt với lạm phát cao hơn.
Nhìn chung, Trump và những người ủng hộ ông bác bỏ các dự báo ảm đạm từ các chuyên gia Phố Wall. Họ chỉ ra rằng lạm phát không tăng vọt trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump khi ông ban hành thuế quan và cắt giảm thuế - và chứng kiến tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cho đến khi đại dịch COVID-19 ập đến.
Liên minh vì một nước Mỹ Thịnh vượng, tổ chức ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, ước tính rằng việc áp thuế khẩu 10% lên toàn bộ hàng hoá vào Mỹ, kết hợp với đề xuất cắt giảm thuế thu nhập, sẽ giúp sản lượng kinh tế tăng thêm hơn 700 tỷ USD và tạo ra thêm 2.8 triệu việc làm.
Cắt giảm thuế
Trump hứa sẽ gia hạn các khoản cắt giảm thuế mà ông đã thông qua vào năm 2017 cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và tài sản của các cá nhân giàu có - hầu hết sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Ngay cả khi Đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện, ông Trump vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận với đảng Dân chủ vì họ cũng ủng hộ duy trì một số biện pháp đó.
Các lời hứa về thuế và chi tiêu của ông Trump có thể đẩy chi phí tăng thêm hơn 10 ngàn tỷ USD trong 10 năm tới, theo tính toán của Bloomberg News. Trump nói rằng ông sẽ sử dụng doanh thu từ thuế quan để giúp chi trả cho chúng, nhưng các nhà kinh tế tại Viện Peterson ước tính rằng thuế nhập khẩu chỉ có thể thu được một phần nhỏ số tiền đó.
Nhiều nhà kinh tế cũng nghi ngờ rằng chính sách thương mại của Trump có thể nhanh chóng thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Bởi lẽ phải mất nhiều năm để xây dựng nhà máy, và việc áp dụng tự động hóa cũng làm giảm nhu cầu lao động.
Một nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia kết luận rằng thuế quan trước đây của Trump đã không làm tăng việc làm trong các ngành được bảo hộ, nhưng làm tổn hại việc làm trong các ngành khác bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại.
"Thuế quan sẽ không làm giảm thâm hụt thương mại, chúng sẽ không khôi phục việc làm trong sản xuất, nhưng sẽ mất vài năm để nhận ra điều đó", Maurice Obstfeld, từng là Chuyên gia kinh tế trưởng tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chia sẻ trong một buổi hội thảo trực tuyến ngày 17/10.
'Hỗn loạn đáng kể'
Lời đe dọa trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ của Trump là một nguồn lo ngại khác đối với nhiều nhà kinh tế và doanh nghiệp. Điều này sẽ làm giảm nguồn lao động sẵn có cho các công ty đã gặp khó khăn trong việc tuyển dụng.
Theo ghi nhận của Chris Collins từ Bloomberg Economics, việc trục xuất người nhập cư đến Mỹ sau năm 2020 sẽ khiến nền kinh tế co hẹp khoảng 3% vào năm 2028. Khi quy mô dân số giảm, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ sụt giảm, kéo theo giá cả đi xuống. Ba bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Texas, Florida và California - nơi có tỷ lệ lao động nhập cư cao nhất, đặc biệt trong các ngành xây dựng, giải trí và khách sạn.
Tất nhiên, các lời hứa tranh cử thường bị gác lại, và tác động kinh tế của các chính sách nhiệm kỳ hai của Trump sẽ phụ thuộc vào việc ông ưu tiên những chính sách nào và có thể thực hiện được gì.
Về vấn đề thuế quan, Trump thừa nhận các mức thuế ông đề xuất thường chỉ là công cụ để đàm phán. Tuy nhiên, theo Wendy Edelberg, Giám đốc Dự án Hamilton của Viện Brookings, ngay cả việc đe dọa tăng thuế cũng đủ khiến các doanh nghiệp phải vội vã thay đổi. Họ buộc phải đàm phán lại các hợp đồng và điều chỉnh chuỗi cung ứng để đối phó với rủi ro bị đánh thuế cao.
"Chúng ta sẽ chứng kiến sự hỗn loạn đáng kể này trên toàn bộ bức tranh kinh doanh", bà nói.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)