Vietstock - IHS Markit: Việt Nam nằm trong các nước chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng tiền tệ ở Thổ Nhĩ Kỳ
Giữa lúc thị trường toàn cầu biến động mạnh vì đà giảm của đồng Lira (Thổ Nhĩ Kỳ), nhà đầu tư đang cẩn thận quan sát mối liên kết giữa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.
Sáu quốc gia châu Á nằm trong số top 20 nguồn nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Trung Quốc đứng đầu danh sách, IHS Markit cho biết trong một báo cáo ngày thứ Sáu (17/08). Năm quốc gia còn lại là Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Việt Nam.
“Khủng hoảng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ và đà giảm của đồng Lira sẽ tác động tới thương mại song phương, khi chi phí của hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng mạnh khi tính bằng đồng Lira, khi đồng tiền này mất giá mạnh trong năm nay”, Rajiv Biswas, Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Markit, cho hay.
Chẳng hạn, đà giảm mạnh của đồng Lira có khả năng tác động tiêu cực tới lượng đặt hàng sản phẩm Malaysia của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay và năm 2019.
Đồng Lira đã mất hơn 40% giá trị so với đồng USD, qua đó làm dấy lên nỗi lo sợ về tác động lan truyền, đồng thời châm ngòi cho làn sóng bán tháo của các đồng tiền và chứng khoán thị trường mới nổi – nhất là nếu các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn đà tụt dốc của đồng Lira.
Ông Biswas nhận định, so với sự giảm tốc về thương mại, khả năng bị bán đổ bán tháo có thể là một rủi ro đáng quan ngại hơn đối với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, vì nó có thể làm tâm lý nhà đầu tư trở nên suy sụp, châm ngòi cho làn sóng tháo chạy ra khỏi các thị trường mới nổi.
Các lỗ hổng
Ấn Độ sẽ là một trong những thị trường mới nổi có rủi ro bị tác động từ cú sốc toàn cầu nhiều hơn, ông Biswas cho hay. Đồng Rupee của Ấn Độ dễ bị tác động trước làn sóng rút vốn nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi thị trường chứng khoán và trái phiếu – giống như trường hợp của Indonesia, theo báo cáo của IHS.
“Nguồn gây tổn thương cho Indonesia có liên quan tới sự tháo chạy của dòng tiền nóng, vì tỷ lệ sở hữu cao của nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường cổ phiếu và trái phiếu nội địa”, ông Biswas viết.
Tỷ lệ sở hữu trái phiếu Chính phủ định danh bằng đồng Rupiah của nhà đầu tư nước ngoài là 40%, và đối với trái phiếu doanh nghiệp là 45%. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài còn nắm giữ tổng cộng 61% trái phiếu Chính phủ nói chung, ông nói thêm.
Ở Nam Á, một vài quốc gia đang đối mặt với vấn đề nợ nước ngoài, như Sri Lanka và Pakistan, ông Biswas nói rõ.
Trong khi đó, các nền kinh tế như Hàn Quốc, Thái Lan, và Đài Loan lại có khả năng phòng thủ tốt nhờ các yếu tố kinh tế vĩ mô tốt và dự trữ ngoại hối dồi dào.
Nhìn chung, các quốc gia châu Á có nguồn lực tốt hơn để chống chịu trước sự biến động ở bên ngoài vì nền kinh tế nội địa đang trong trạng thái tốt hơn so với 5 năm trước, ông Tuan Huynh, Giám đốc đầu tư của Deutsche Bank Wealth Management ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho hay.
Điều này có nghĩa, nhà đầu tư có thể có khả năng mua vào cổ phiếu thị trường mới nổi ở châu Á trong 6 tháng cuối năm nay, ông Tuan nhận định.
Dave Lafferty, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại Natixis Investment Managers, cho hay, các thị trường mới nổi châu Á cũng thường có ít nợ và ít bị tác động từ đồng USD.
Vũ Hạo (Theo CNBC)