Vietstock - Giới đầu tư nhận định chứng khoán Nhật Bản sẽ giảm nhiệt trong nửa cuối năm
Theo khảo sát của Bloomberg, chỉ số Topix ước sẽ tăng khoảng 2,9% lên 2.890 điểm vào cuối năm nay, trong khi Nikkei 225 tiến khoảng 4,8% lên 41.489 điểm - các mức khiêm tốn so với nửa đầu năm.
Chỉ số Nikkei-225 hiển thị trên bảng điện tử tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 4/3/2024. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
|
Các nhà đầu tư đang nhận định tốc độ phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ chậm lại trong nửa cuối năm nay, làm tăng nguy cơ họ sẽ chuyển nhiều tiền hơn sang các thị trường đối thủ.
Theo ước tính trung bình từ các nhà quản lý tài sản và chiến lược gia được hãng tin Bloomberg khảo sát, chỉ số Topix ước sẽ tăng khoảng 2,9% lên 2.890 điểm vào cuối năm nay, trong khi chỉ số Nikkei 225 tiến khoảng 4,8% lên 41.489 điểm.
Đây đều là những mức tăng khiêm tốn so với con số 18% ghi nhận trong sáu tháng đầu năm.
Những lo ngại về đà xuống giá kéo dài của đồng yen đang đè nặng lên tâm lý thị trường. Ngoài ra, người tiêu dùng và các công ty Nhật Bản đã cắt giảm chi tiêu.
1/3 số người theo dõi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) được Bloomberg khảo sát hồi đầu tháng này dự báo lãi suất sẽ tăng vào tháng Bảy.
Báo cáo mới công bố vào sáng 28/6 cho thấy lạm phát tại Nhật Bản đã tăng trong tháng Sáu, qua đó thúc đẩy khả năng BoJ đưa vấn đề tăng lãi suất vào chương trình thảo luận tại cuộc họp tháng tới.
Ông Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường cấp cao tại chuyên trang tài chính Capital.Com Inc, không cho rằng hiệu suất của chứng khoán Nhật Bản sẽ vượt trội trong nửa cuối năm.
Với sự phục hồi từng diễn ra vào đầu năm, các xu hướng cơ bản trong nền kinh tế và chính sách của Nhật Bản thiên về hướng đi xuống hơn là tăng trưởng.
Đồng yen suy yếu xuống mức 161 yen đổi 1 USD vào ngày 18/6 và có nguy cơ trượt xuống mức thấp của năm 1986. Một số người tham gia thị trường dự đoán đồng yen có thể rơi xuống mức thấp nhất là 170 yen đổi 1 USD.
Trong khi đồng yen yếu mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, nó cũng góp phần gây ra lạm phát thông qua nhập khẩu. Điều đó lại làm giảm mức lương thực tế của người lao động - điều mà nhiều người tham gia thị trường coi là quan trọng đối với chứng khoán Nhật Bản.
Rủi ro tiền tệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại đã khiến một số nhà đầu tư nước ngoài chuyển hướng ra ngoài Nhật Bản. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán cổ phiếu của Nhật Bản trong 5 tuần liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ tháng 3/2023.
Ông Alexander Cousley, chiến lược gia đầu tư tại công ty dịch vụ tài chính Russell Investments Group LLC, đánh giá rằng chứng khoán Nhật Bản có thể tụt hậu so với chứng khoán Trung Quốc, nhưng vẫn hoạt động khá tốt ở thị trường châu Á nói chung.
Hiện cổ phiếu Trung Quốc đang rẻ hơn đáng kể so với cổ phiếu Nhật Bản và toàn cầu. Dù vậy, nhiều người vẫn lạc quan về triển vọng của Nhật Bản với các công ty như BlackRock Inc. vẫn đặt cược lớn vào thị trường chứng khoán nước này.
Một cuộc khảo sát các nhà quản lý quỹ do ngân hàng Bank of America công bố vào tháng Sáu cho thấy Nhật Bản vẫn là thị trường được yêu thích trong khu vực.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, thu nhập trên mỗi cổ phiếu của nhóm chỉ số MSCI Nhật Bản ước tính sẽ tăng 16% trong 12 tháng tới, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 8,5% dự kiến của chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI World./.
Hương Thủy