Từng theo đuổi chiến lược "siêu ứng dụng", nhưng Grab và GoTo (công ty mẹ Gojek) lại đang cắt giảm các mảng kinh doanh không cốt lõi vì nhận ra tham vọng này tiêu tốn quá nhiều tiền. Lấy cảm hứng từ thành công của Wechat (ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent với hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu), Grab và GoTo đã cố gắng theo đuổi chiến lược "siêu ứng dụng" trong suốt thập kỷ qua - một ứng dụng tích hợp nhiều tính năng, từ gọi xe đến giao đồ ăn và cả thanh toán.
Giới đầu tư toàn cầu đã hào hứng bơm tiền vào hai startup lớn nhất khu vực Đông Nam Á này, đặt cược vào triển vọng tăng tăng trưởng mạnh mẽ của siêu ứng dụng.
Grab và Goto này kỳ vọng, nhờ lực lượng người dùng trẻ và am hiểu công nghệ của khu vực, cũng như nhu cầu giao dịch trên không gian trực tuyến trỗi dậy từ đại dịch Covid-19, 2 công ty này có thể tái tạo thành công của các siêu ứng dụng ở Trung Quốc.
Mọi thứ đạt tới mức đỉnh với thương vụ IPO bom tấn của Grab thông qua việc sáp nhập trị giá 40 tỷ USD với một công ty SPAC ở New York năm 2021. Gojek và tập đoàn thương mại điện tử Tokopedia ở Indonesia cũng sáp nhập để về chung một mái nhà với tên gọi GoTo. GoTo niêm yết ở Jakarta với mức định giá 32 tỷ USD năm 2022.
Tuy nhiên, giờ đây, Grab và GoTo đã phải cắt giảm hàng nghìn việc làm và nhiều đơn vị kinh doanh. Giá cổ phiếu của họ cũng giảm hơn 60% so với giá niêm yết ban đầu, theo tờ Financial Times.
Vỡ mộng siêu ứng dụng?
Theo giới phân tích, kỷ nguyên huy động vốn giá rẻ đã chấm dứt khi lãi suất liên tục tăng trên toàn cầu, buộc các công ty công nghệ dựa vào tốc độ “đốt tiền” để mở rộng thị phần và thúc đẩy tăng trưởng phải dừng lại và đánh giá xem liệu mô hình kinh doanh của họ có mang lại lợi nhuận hay không.
“Covid-19 đã cho GoTo và Grab đà tăng trưởng phi thường”, Angus Mackintosh, người sáng lập công ty CrossASEAN Research cho hay. ““Họ vẫn sở hữu mô hình siêu ứng dụng, song đã phải cắt giảm quy mô đi rất nhiều. Các công ty buộc phải kiếm được lợi nhuận”.
Tháng 6/2023, bên cạnh việc sa thải 11% lực lượng lao động, tương đương hơn 1.000 người, Grab cũng đóng cửa dịch vụ kinh doanh nấu nướng trên nền tảng đám mây, giảm trợ cấp trong các lĩnh vực như giao đồ ăn và dành ít thời gian hơn cho việc mở rộng sang các lĩnh vực khác như giải trí.
Grab báo lỗ theo quý là 244 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, tổng lượng hàng hoá, hay doanh số bán hàng, chỉ đạt mức tăng trưởng 3%, so với 24% của cả năm 2022 và 11% tăng trưởng trong quý cuối cùng của năm ngoái.
Tương tự, GoTo cũng báo lỗ ròng 260 triệu USD trong quý 1/2023. Tốc độ tăng trưởng của công ty cũng chậm lại, với tổng giá trị giao dịch chỉ tăng 6% so với mức tăng trưởng 33% của cả năm trước và 18% trong cùng kỳ.
GoTo cũng đã thực hiện một số đợt cắt giảm việc làm và huỷ một số mảng kinh doanh như GoClean và GoMassage, mang nhân viên lau dọn và massage đến tận cửa nhà khách hàng.
Cạnh tranh khốc liệt với TikTok, Shopee
Một lãnh đạo cấp cao của Grab cho biết dù công ty đã cắt giảm một số dịch vụ, song vẫn tin rằng Grab có thể cung cấp nhiều dịch vụ hơn cho khách hàng mà vẫn có lợi nhuận, tương tự như cách Uber đã làm.
Uber cũng là một nhà đầu tư vào Grab, trong tháng 5 đã báo cáo thu nhập được điều chỉnh trong quý đầu cao kỷ lục trước lãi vay, thuế và khấu hao.
Tuy nhiên, những chuyên gia khác vẫn hoài nghi về việc liệu các siêu ứng dụng ở Đông Nam Á có thể mang lại lợi nhuận ổn định cho các nhà đầu tư hay không. Trong khi GoTo và Grab tuyên bố có cơ hội rất lớn vì mức độ thâm nhập thị trường vẫn còn thấp ở Đông Nam Á, nhiều đối thủ cạnh tranh đang xuất hiện.
Những đối thủ có tiềm lực tài chính tốt như TikTok của ByteDance đã lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử trong 12 tháng qua.
Một đối thủ tiềm năng khác là Sea - công ty mẹ của Shopee, được hậu thuẫn bởi Tencent. Sea đã mở rộng sang lĩnh vực giao hàng đồ ăn và cạnh tranh trong dịch vụ tài chính, đây là lĩnh vực mà Grab và GoTo cũng hy vọng phát triển.
Một số nhà đầu tư cho rằng GoTo và Grab có thể bị dàn trải nguồn lực do tham qua quá nhiều lĩnh vực kinh doanh.
“Các công ty này vẫn cung cấp nhiều dịch vụ hơn trên một ứng dụng so với Uber. Điều này khiến họ vấp phải nhiều sự cạnh tranh và khó theo đuổi một mô hình bền vững trong tương lai. Rốt cục, bạn phải lựa chọn giữa tăng trưởng hoặc lợi nhuận. Bạn không thể có được cả hai”, một nhà đầu tư nhận định.