Vietstock - Dầu giảm 4 tuần không ngừng nghỉ
Tuần qua, dầu WTI sụt 6.6%, dầu Brent giảm 6.2%
Các hợp đồng dầu thô tương lai giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (02/11), đánh dấu 4 tuần lao dốc liên tiếp, chịu sức ép từ kế hoạch miễn giảm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và sự gia tăng của sản lượng dầu thô toàn cầu, MarketWatch đưa tin.
Trong một cuộc họp báo vào ngày thứ Sáu, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Michael Pompeo, cho biết Chính quyền nước này dự kiến “đưa ra một số quyền hạn tạm thời cho 8 quốc gia”, nhưng bổ sung rằng “các cuộc đàm phán vẫn đang tiến hành”.
Một báo cáo từ Bloomberg cho biết các nước được miễn trừ áp các lệnh trừng phạt bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc. Lệnh miễn trừ cho phép các nước này tiếp tục mua dầu từ Iran bất chấp các lệnh trừng phạt.
Brian Youngberg, Chuyên gia phân tích năng lượng cấp cao tại Edward Jones, nhận định: “Hiện đang có nhiều biến động và bất ổn trên thị trường dầu hơn bình thường. Thêm vào đó là nghi ngờ về nhu cầu toàn cầu suy yếu, những cam kết giữ nguồn cung ổn định từ Ả-rập Xê-út, sản lượng dầu từ đá phiến tiếp tục nhảy vọt, Venezuela,… đó là một bức tranh hỗn loạn đối với giá dầu thời điểm hiện tại. Và cả nhiều tuần tiếp theo”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 trên sàn Nymex lùi 55 xu (tương đương 0.9%) xuống 63.14 USD/thùng, một lần nữa đóng cửa tại mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4/2018. Tuần qua, hợp đồng này đã sụt 6.6%.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1 trên sàn Luân Đôn mất 6 xu (tương đương gần 0.1%) còn 72.83 USD/thùng, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/04/2018. Hợp đồng này đã giảm 6.2% trong tuần qua. Hôm thứ Năm (01/11), hợp đồng dầu Brent cũng rớt mốc bình quân động 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 9/2017, dữ liệu từ FactSet cho thấy.
Cả dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận tuần sụt giảm thứ 4 liên tiếp.
Marshall Gittler, Giám đốc chiến lược tại ACLS Global, chia sẻ: “Dầu tiếp tục giảm do lo ngại về nguồn cung. Thông thường, có 2 lý do có thể khiến giá dầu giảm: một lý do 'hợp lý', đó là dư thừa nguồn cung; và một lý do “xấu”, đó là nhu cầu suy yếu”.
Các cuộc thăm dò khác nhau trong tuần này từ Bloomberg và Reuters cho thấy các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng sản lượng trong tháng 10 lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2016 – vượt mốc 33 triệu thùng/ngày.
Cũng trong tuần này, báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu thô tại Mỹ đạt 11.3 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Đây cũng là lần đầu tiên sản lượng dầu trong tháng của Mỹ vượt mốc 11 triệu thùng/ngày , qua đó đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy khả năng sản lượng suy giảm. Theo đó, số giàn khoan đang hoạt động tại Mỹ giảm 1 giàn xuống 874 giàn trong tuần này, sau khi tăng 3 tuần liên tiếp.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 12 lùi 0.5% xuống 1.708 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 12 mất 1.3% còn 2.173 USD/gallon. Cả 2 hợp đồng đều sụt 5.7% trong tuần qua.
Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 12 tiến gần 1.5% lên 3.284 USD/MMBtu và tăng 1.8% trong tuần qua.
An Trần