Vietstock - Cựu quan chức PBOC: Trung Quốc sẽ trả đũa nếu Trump tăng thuế
Theo Chu Min, cựu quan chức cấp cao tại NHTW Trung Quốc (PBOC), Bắc Kinh sẽ phản đòn nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện lời hứa áp thuế 60% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
"Nếu Trump và chính quyền thực sự áp thuế 60% lên Trung Quốc, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ trả đũa" và đưa vụ việc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ông Chu - cựu Phó Thống đốc PBOC - cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television vào ngày 15/11. Ông cảnh báo Trung Quốc có nhiều “lá bài” để sử dụng.
Chu Min, cựu Phó Thống đốc PBOC
|
Chu không nêu rõ các biện pháp trả đũa tiềm năng. Tuy nhiên, ông cho biết thuế quan sẽ tác động đến đồng tiền Trung Quốc, vốn được quyết định bởi các yếu tố thị trường như thương mại và dòng vốn. Ông nói thêm rằng thuế quan cũng sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu trái phiếu Mỹ của Trung Quốc. Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của chính phủ Mỹ sau Nhật Bản, nắm giữ khoảng 775 tỷ USD trái phiếu.
"Thuế quan sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái, ảnh hưởng đến dòng vốn của Trung Quốc, và cũng sẽ ảnh hưởng đến việc Trung Quốc mua bao nhiêu trái phiếu Chính phủ Mỹ", Chu, hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc gia tại Đại học Thanh Hoa, cho biết.
Trump đã từng áp thuế lên tới 25% đối với hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khi còn ở Nhà Trắng và Bắc Kinh cũng đáp trả lại. Sau đó, Tổng thống Joe Biden vẫn phần lớn giữ nguyên các mức thuế này. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đe dọa tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc lên tới 60% và Bloomberg Economics cho rằng mức thuế cao thế này sẽ tàn phá thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nếu chiến tranh thương mại leo thang, "đó sẽ là tình huống khó khăn" cho cả hai quốc gia, Chu nói. "Sẽ tốt hơn nếu cả hai bên có thể ngồi xuống, thảo luận và đạt được thỏa thuận bởi về mặt kinh tế, hai bên thực sự bổ sung cho nhau”.
Chu chỉ ra rằng xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, tăng vọt lên gần 4,000 tỷ USD, từ mức 2,500 tỷ USD năm 2019. Tuy nhiên, Chu cho biết Bắc Kinh đã có "sự chuyển dịch chiến lược" để giảm sự phụ thuộc vào thương mại và thúc đẩy nhu cầu nội địa, một quá trình mà ông thừa nhận sẽ "cần thời gian".
Khi được hỏi liệu gói kích thích mà Bắc Kinh triển khai từ cuối tháng 9 có đủ để chấm dứt tình trạng giảm phát mà Trung Quốc đang phải đối mặt hay không, Chu phần lớn tránh trả lời trực tiếp câu hỏi.
"Mục tiêu ngắn hạn" của Bắc Kinh là ổn định thị trường nhà ở, giảm gánh nặng nợ nần cho chính quyền địa phương và thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, ông nói.
Vũ Hạo (Theo CNBC)