Vietstock - Cuộc đối đầu giữa ông Trump và Fed
Cùng với các công bố bổ nhiệm nhân sự chủ chốt trong nội các mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người ta lại nghe một từ “Không” dứt khoát từ Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell khi được hỏi liệu ông có từ chức khi được yêu cầu.
Mọi tranh cãi giữa Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Fed đều có thể dẫn tới sự sụt giá trên thị trường chứng khoán vì lo ngại sự bất ổn trong chính sách tài chính và khả năng xảy ra lạm phát cao. Ảnh: TL |
Đó là bởi theo luật, tổng thống Mỹ không dễ sa thải chủ tịch ngân hàng trung ương nước này, mà thường phải chờ cho đến nhiệm kỳ; nhiệm kỳ của ông Powell đến giữa năm 2026 mới kết thúc. Ngay cả ông Trump, dù nhiều lần phê phán chính sách ông Powell theo đuổi, vẫn nói trong quá trình tranh cử ông sẽ để ông Powell làm hết nhiệm kỳ, “nhất là khi tôi nghĩ ông ấy làm điều đúng”. Chính vế sau của lời cam kết này khiến nhiều người nghĩ ông Trump, sau khi nhậm chức, sẽ gây sức ép buộc ông Powell điều hành Fed theo cách ông nghĩ là tốt chứ không để Fed độc lập như trước.
Donald Trump là người chủ trương tổng thống Mỹ phải có quyền, có tiếng nói trong điều hành chính sách tiền tệ của đất nước và ông không che giấu ý muốn của mình là lãi suất phải thấp để kích thích nền kinh tế; lãi suất sử dụng đồng tiền cao, theo ông, sẽ có hại cho hoạt động của doanh nghiệp. Cho đến nay Fed đã bắt đầu cắt giảm lãi suất sau khi kiềm chế được lạm phát, lần gần đây nhất là hai ngày sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ nên ý muốn của hai bên là trùng khớp. Nhưng giả sử sau này, do chính sách áp thuế lên mọi hàng nhập khẩu làm lạm phát nước Mỹ quay trở lại, lúc đó ắt sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa ông Trump và Fed.
Đạo luật Dự trữ Liên bang là cơ sở pháp lý để thành lập Fed vào năm 1913, nhưng mãi đến đầu thập niên 1950 Fed mới thật sự độc lập với Nhà Trắng khi cơ quan này lấy lại quyền đưa ra chính sách tiền tệ từ Bộ Tài chính Mỹ. Đạo luật này cũng quy định tổng thống có quyền sa thải các thống đốc, kể cả chủ tịch Fed “có lý do chính đáng”. Các chuyên gia pháp lý nhận định có một sự mơ hồ về thế nào là “có lý do chính đáng” nhưng cho rằng tranh cãi về chính sách không được liệt vào lý do chính đáng. Tuy nhiên, nếu cần ông Trump vẫn có thể dựa vào luật để sa thải ông Powell và cuối cùng để tòa án phân xử. Rất có thể một tranh cãi pháp lý như thế sẽ được quyết định sau cùng tại tòa án tối cao nơi số thẩm phán do ông Trump và các tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm đang chiếm đa số.
Tuy nhiên mới năm nay, tòa án tối cao đã ra phán quyết cho phép Cục Bảo vệ Tài chính Tiêu dùng được tiếp tục hoạt động theo cơ cấu hiện tại dù nhiều nhà lập pháp Cộng hòa cho rằng cơ cấu đó là không hợp hiến. Còn mới tháng trước tòa án tối cao từ chối thụ lý vụ kiện đòi giải thể Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng. Cũng như quan chức điều hành Fed, những thành viên của Ủy ban này chỉ bị sa thải bởi tổng thống khi có lý do chính đáng.
Fed hiện gồm 7 thống đốc do tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn, nhiệm kỳ của mỗi thống đốc kéo dài 14 năm; riêng chủ tịch và phó chủ tịch có nhiệm kỳ 4 năm. Chức vụ Chủ tịch Fed của ông Powell là do ông Trump bổ nhiệm vào năm 2018 rồi được ông Biden tái bổ nhiệm vào năm 2022 trong nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 15-5-2026.
Ngoài ông Trump, các chính khách thuộc đảng Cộng hòa cũng chủ trương giảm bớt sự độc lập của Fed. Chẳng hạn, Thượng nghị sĩ Mike Lee viết trên X: “Nhánh Hành pháp phải nằm dưới sự điều hành của tổng thống. Đó là cách Hiến pháp được thiết kế. Cục Dự trữ liên bang là một trong nhiều ví dụ cho thấy chúng ta đã đi chệch hướng so với Hiến pháp trong khía cạnh này”. Tỉ phú Elon Musk, người ủng hộ ông Trump nhiệt tình, đã bày tỏ sự đồng tình với nhận định này.
Một số nhà phân tích cho rằng ông Trump có thể chọn lựa cách sửa đổi Đạo luật Dự trữ liên bang theo hướng làm suy yếu tính độc lập của cơ quan này. Điều này càng khả thi hơn khi quyền quyết định sau cùng ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ đang nằm trong tay đảng Cộng hòa. Cả hai con đường, sử dụng hệ thống tòa án hay sửa luật đều mất thời gian. Quan trọng hơn, mọi tranh cãi giữa Tổng thống Donald Trump và chủ tịch Fed đều có thể dẫn tới sự sụt giá trên thị trường chứng khoán vì lo ngại sự bất ổn trong chính sách tài chính và khả năng xảy ra lạm phát cao.
Các nước chủ trương ngân hàng trung ương phải độc lập bởi nhiệm vụ lâu dài là ổn định đồng tiền, kiềm chế lạm phát và giảm thất nghiệp. Nếu ngân hàng trung ương làm theo ý đồ ngắn hạn của các chính khách, họ rất dễ ưu tiên cho những mục tiêu tăng trưởng ngắn hạn có hại cho sự ổn định lâu dài. Trong khi Tổng thống Donald Trump muốn đẩy lãi suất xuống thấp trong nhiệm kỳ của mình, các chính sách khác của ông như đánh thuế lên hàng nhập khẩu, siết dòng chảy nhập cư, tức lao động giá rẻ lại có tác động tạo ra lạm phát. Chính vì thế nhiệm vụ của Fed trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông Trump là cực kỳ khó khăn và khó tránh xung đột giữa ý muốn của tổng thống và kỳ vọng của Fed.
Nguyễn Vũ