Vietstock - Cơn lốc thất nghiệp sắp càn quét ngành hàng không Mỹ
Gói hỗ trợ hiện tại cho ngành hàng không Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 30/9 và chưa biết đến khi nào sẽ có gói mới.
Hồi tháng 3, nhờ vận động của các liên đoàn lao động cùng các CEO (HN:CEO) hãng bay, lưỡng đảng và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp thuận gói hỗ trợ 25 tỷ USD giúp ngành hàng không duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, gói này sẽ hết hạn vào ngày 30/9, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng vẫn chưa đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế mới. trrong đó có thể bao gồm khoản hỗ trợ bổ sung cho các hãng bay.
Các hãng hàng không Mỹ vì thế cảnh báo công việc của hơn 75.000 nhân viên sẽ gặp rủi ro. Tổng cộng, các hãng vận tải hành khách và hàng hóa nước này có khoảng 700.000 lao động. Đó là chưa kể các công việc liên quan gián tiếp khác cũng bị đe dọa. Theo Airlines for America, ngành này hỗ trợ khoảng 10 triệu việc làm, bao gồm hơn 6 triệu việc làm trong lĩnh vực du lịch và khách sạn.
"Chúng tôi nhận ra rằng tác động lan tỏa của đại dịch trong nền kinh tế là khá lớn", David Lebovitz - chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management cho biết, "Bạn không đổ xăng cho ôtô của mình nữa và cũng chẳng ra ngoài mua sandwich để ăn trưa".
Các thành viên phi hành đoàn của một hãng bay tại sân bay John F. Kennedy (Mỹ). Ảnh: Reuters
|
Nếu Quốc hội Mỹ không có dự luật kích thích mới, nhân viên hàng không có thể phải đối mặt với mức trợ cấp thất nghiệp thấp hơn những tháng trước nếu bị sa thải sau khi gói viện trợ hết hạn. Đầu tháng này, ông Trump đã sắc lệnh người thất nghiệp Mỹ được nhận trợ cấp 400 USD một tuần. Trong đó có 300 USD lấy từ ngân sách liên bang.
"Bất cứ ai thất nghiệp đều thấy thị trường lao động đang thực sự bất lợi", Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không-CWA, liên đoàn lao động đại diện cho tiếp viên tại hơn 10 hãng hàng không cho biết. Liên đoàn này đang thúc giục quốc hội cung cấp thêm gói viện trợ.
"Đây là một hoàn cảnh khủng khiếp với mọi người", Nelson nhận định về việc thiếu gói kích thích mới, "Chúng ta đang đặt cả đất nước trong tình trạng bất ổn".
Thất thu 10 tỷ USD
Tổng cộng, 4 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ đã mất hơn 10 tỷ USD trong quý trước. Nhu cầu đi lại đã tăng cao hơn, nhưng chỉ bằng khoảng 30% hè năm ngoái - mùa sinh lợi nhất của các hãng hàng không. Các CEO đã nhiều lần nói rằng họ dự báo sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng với quy mô nhỏ hơn, đồng nghĩa với việc ít lao động hơn.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế tháng trước dự báo nhu cầu đi lại bằng đường hàng không toàn cầu sẽ không phục hồi về mức năm 2019 cho đến năm 2024. Tức là chậm hơn một năm so với dự kiến.
"Rõ ràng là nó sẽ có tác động tàn khốc", Severin Borenstein, Giáo sư quản trị kinh doanh và chính sách công tại Trường Kinh doanh Haas thuộc Đại học California-Berkeley, nhận định. "Mỹ đã chi cho các hãng hàng không rất nhiều tiền để duy trì việc làm. Đến thời điểm ngừng hỗ trợ, các hãng sẽ cắt giảm các chuyến bay không kinh tế", ông đánh giá.
Đến nay, các hãng hàng không đã cắt giảm nhiều chuyến bay. Họ từng hy vọng nhu cầu sẽ quay trở lại vào mùa hè, nhưng kinh tế đang phục hồi rất khiêm tốn. Các CEO cũng cho rằng thách thức còn nằm ở việc số ca nhiễm mới tăng vọt và lệnh cách ly ở các bang như New York.
"Vào đầu tháng 4, chúng tôi đã chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu mạnh nhất, sâu nhất trong lịch sử, tồi tệ hơn nhiều so với sự kiện 11/9, cuộc Đại suy thoái hoặc bất kỳ kịch bản khủng hoảng nào khác từng được dự báo", CEO United Airlines Scott Kirby nói với các nhà đầu tư ngày 22/7, "Gần cuối quý, khi chúng tôi bắt đầu lạc quan về đà phục hồi, nhu cầu lại giảm một lần nữa khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt ở khu vực Vành đai Mặt trời (Sun Belt)".
Viện trợ có thể quá muộn với một số người
Đợt hỗ trợ mới có thể sẽ đến quá muộn với hàng chục nghìn nhân viên đã nghỉ việc. Các hãng hàng không đã ráo riết giảm biên chế bằng cách thúc giục nhân viên nghỉ hưu sớm và nhận các gói bồi thường nghỉ việc tự nguyện. Tại Southwest Airlines, khoảng 28% lao động công ty, tương đương 17.000 nhân viên đã rời đi hoặc tạm nghỉ việc và hưởng một phần lương.
Hơn 20.000 nhân viên đã tự nguyện rời các hãng hàng không và không thể quay lại trừ khi họ được tuyển lại. Khoảng 17.000, tương đương 20% lao động Delta Air Lines đã chấp nhận kế khoạch bồi thường nghỉ việc tự nguyện của hãng này.
"Việc 20% lao động của chúng ta rời đi là điều khó khăn nhưng cần thiết để hướng tới việc chuyển đổi Delta thành một hãng hàng không nhỏ hơn, nhanh nhẹn hơn, có khả năng chịu đựng khủng hoảng tốt và phục hồi nhanh chóng", CEO Delta Ed Bastian nói với nhân viên hôm 6/8.
Khoảng 2.500 phi công của Delta vẫn có nguy cơ mất việc vào mùa thu này. Công ty đã yêu cầu các phi công đồng ý giảm 15% số giờ làm việc tối thiểu của họ. Và trong một thông báo gửi các tiếp viên hàng không đầu tháng này, Delta cho biết họ vẫn đang thừa 3.000 lao động..
"Tình hình sẽ thực sự xấu trong một thời gian dài", Kit Darby, một cơ trưởng United Airlines đã nghỉ hưu và hiện là nhà tư vấn lương phi công, đánh giá. ông khuyên các phi công nên cập nhật hồ sơ xin việc và nộp vào bất kỳ nơi nào có thể. "Hãy làm ngay bây giờ vì tình hình sẽ tệ hơn nhiều trong sáu tháng tới", ông nói.
Các nhà sản xuất máy bay quay cuồng
Rắc rối mà các hãng hàng không phải đối mặt đã tràn sang các nhà sản xuất máy bay và hàng nghìn nhà cung cấp của họ, khi đại dịch khiến nhu cầu về máy bay mới bị xáo trộn. Cả Airbus và Boeing đều đang giảm số lượng máy bay mà họ dự định sản xuất. Hiệp hội Công nghiệp Hàng không Vũ trụ ước tính rằng hơn 200.000 việc làm trong lĩnh vực này đang gặp rủi ro.
Đầu năm nay, Boeing cho biết họ sẽ đặt mục tiêu cắt giảm 10% lực lượng lao động, xuống còn 160.000 người vào cuối năm 2019. Bộ phận máy bay thương mại đã bị ảnh hưởng bởi hàng trăm hợp đồng hủy bỏ trong năm nay. Giám đốc Tài chính Greg Smith nói với các nhà đầu tư ngày 29/7 rằng 19.000 nhân viên sẽ rời Boeing.
Boeing cũng đang đánh giá dây chuyền sản xuất kép cho dòng máy bay 787 tại khu Seattle và Bắc Charleston. Hãng đã cắt giảm sản xuất dòng máy bay này một lần nữa và cho biết năm 2022 sẽ ngừng sản xuất 747 sau hơn 50 năm.
General Electric, công ty sản xuất động cơ cho cả máy bay Boeing và Airbus cho biết sẽ cắt giảm một phần tư số việc làm, tương đương 13.000 người. Spirit Aerosystems hồi đầu tháng cho biết đã cắt giảm hơn 1.000 việc làm sau khi Boeing hạ mục tiêu sản xuất và nâng số lượng việc làm bị giảm trong năm nay lên khoảng 8.000.
Phiên An