Vietstock - Chứng khoán Mỹ có thể giảm thêm 10%?
Phố Wall có thể bước vào phạm vi điều chỉnh nếu nhận thức của nhà đầu tư thay đổi, Mohamed El-Erian, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Allianz, nhận định sau phiên bán tháo mạnh nhất trong nhiều tháng.
Nhiều nhà đầu tư nhận thấy tín hiệu hỗ trợ thanh khoản từ Fed và bắt đáy. Tuy nhiên, cách suy nghĩ này sẽ bị thử thách trong nhiều ngày tới khi các yếu tố cơ bản bắt đầu được chú ý đến, ông cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
“Đây là cuộc đấu tranh trên Phố Wall và cách suy nghĩ của nhà đầu tư có thể thay đổi”, vị chuyên gia kinh tế trưởng cho hay sau khi các chỉ số chính trên Phố Wall ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020.
Sau những bước tăng điểm mạnh mẽ trong vài tuần qua, Nasdaq Composite “cắm đầu” gần 5% trong ngày 03/09 khi những cổ phiếu công nghệ lao dốc. S&P 500 và Dow Jones cũng ghi nhận đà giảm mạnh, sụt tương ứng 3.5% và 2.8%.
Nếu nhận thức của nhà đầu tư thay đổi, ông El-Erian cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm.
“Chúng ta có thể chứng kiến phiên giảm thêm 10%, một cách dễ dàng, nếu nhà đầu tư bắt đầu suy nghĩ đến các yếu tố cơ bản”, El-Erian dự báo. “Nếu suy nghĩ chuyển từ yếu tố kỹ thuật sang yếu tố cơ bản, thị trường này sẽ còn giảm nữa”.
Đà giảm vẫn diễn ra mặc dù dữ liệu về thất nghiệp khả quan hơn dự kiến. Theo đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong thông báo ngày 03/09, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu lên đến 881,000 trong tuần kết thúc vào ngày 29/08, thấp hơn so với dự báo 950,000 đơn từ các chuyên gia.
Ông El-Erian cho rằng thị trường vẫn còn xa rời với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, chỉ số VIX – thước đo nỗi sợ hãi tốt nhất trên Phố Wall – và thị trường trái phiếu. Trong bối cảnh Nasdaq Composite tăng ở mức hai con số và S&P 500 vẫn còn tăng gần 7%, thị trường vẫn có khả năng điều chỉnh sau 5 tháng leo dốc liên tiếp và tháng 8 tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, ông nói.
Nếu thị trường được định giá theo các yếu tố cơ bản, nhà đầu tư buộc phải xét tới tình trạng bấp bênh của nền kinh tế khi số doanh nghiệp phá sản vẫn ngày một tăng. Gần 1 tháng trước, ông cảnh báo số vụ phá sản quy mô lớn có thể đập tan đà tăng trên thị trường.
“Nếu bước vào thị trường với suy nghĩ đặt nặng về các yếu tố cơ bản, bạn sẽ không muốn vào một thị trường khi mà nền kinh tế chững lại đà hồi phục và chứng kiến số vụ phá sản ngày một tăng”, ông nói.
Thị trường chứng khoán và nền kinh tế thực đang tách rời nhau
“Nền kinh tế thực đang trong trạng thái tồi tệ, không như thị trường tài chính”, Chuyên gia kinh tế đoạt giải Nobel Paul Krugman cho biết. “Sự thật ở đây là giá cổ phiếu chẳng bao giờ gắn kết chặt với tình trạng của nền kinh tế”.
Chuyên gia kinh tế nổi tiếng Paul Krugman
|
Ông Krugman chỉ ra giá trị vốn hóa của các ông lớn công nghệ chẳng liên quan gì mấy đến khả năng tạo lãi của họ hoặc nền kinh tế. “Thay vào đó, chúng đều là về sự kỳ vọng của nhà đầu tư về một tương lai xa vời”, ông nói.
“Với hệ số P/E ở mức hơn 33 lần, khoản lãi mà mọi người trông chờ Apple (NASDAQ:AAPL) tạo ra trong nhiều năm tới là cực kỳ lớn. Xét cho cùng, họ cũng chẳng còn nơi nào khác để đặt tiền. Lợi suất trái phiếu Chính phủ hiện đã thấp hơn nhiều so với mức lạm phát kỳ vọng (nói cách khác lợi suất thực âm)”, ông cho biết. “Miễn là họ kỳ vọng Apple tiếp tục có lãi trong nhiều năm tới, họ cũng chẳng quan tâm đến diễn biến kinh tế Mỹ trong vài quý kế tiếp.
Vị chuyên gia này nhận thấy: "Không may là người dân Mỹ thường rất ít khi có thu nhập từ lãi vốn và cũng chẳng thể sống dựa trên những dự báo màu hồng về tương lai”.
Vũ Hạo (Theo CNBC, Business Insider)