Vietstock - China Evergrande sai lầm như thế nào khi đầu tư vào ôtô điện?
Tập đoàn địa ốc China Evergrande đang nợ đầm đìa và có thể sớm sụp đổ. Việc thành lập startup ôtô điện Evergrande NEV bị coi là một trong những sai lầm lớn của tỷ phú Hứa Gia Ấn.
China Evergrande thành lập công ty ôtô điện Evergrande NEV vào năm 2018. Chủ tịch Hui Ka Yan (Hứa Gia Ấn) khẳng định Evergrande NEV sẽ nhanh chóng vượt qua Tesla của tỷ phú Elon Musk tại thị trường Trung Quốc.
Bất chấp việc tập đoàn bất động sản của ông Hứa không hề có công nghệ cũng như kinh nghiệm sản xuất xe hơi, các nhà đầu tư vẫn ồ ạt đổ tiền vào startup Evergrande NEV. Công ty này huy động được hàng tỷ USD tiền đầu tư dù không hề có doanh số.
Evergrande NEV phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Hong Kong năm 2018 và giá cổ phiếu công ty lập tức tăng vọt. Tháng 4 năm nay, định giá công ty đạt đỉnh 87 tỷ USD, cao hơn cả Ford (NYSE:F).
Evergrande NEV đạt định giá 87 tỷ USD hồi tháng 4 nhưng không bán một chiếc ôtô điện nào. Ảnh: Bloomberg.
|
Công ty kỳ lạ
Tuy nhiên, Evergrande NEV giới thiệu 6 mẫu ôtô điện nhưng đến nay chưa bán bất kỳ một chiếc xe nào. Các lãnh đạo công ty liên tục thay đổi lịch ra mắt sản phẩm.
“Đây là một công ty kỳ lạ. Họ đổ rất nhiều tiền đầu tư nhưng chẳng sản xuất được gì. Họ lao vào một ngành công nghiệp khó nhằn mà bản thân họ không hề có kiến thức gì cả”, Bloomberg dẫn lời ông Bill Russo, CEO (HN:CEO) hãng tư vấn Automobility ở Thượng Hải, nhận định.
Theo Fortune, trong nửa đầu năm nay, ước tính Evergrande NEV lỗ ròng 740 triệu USD.
China Evergrande nói rằng việc xây các trạm sạc điện ôtô trong các khu dân cư do công ty này phát triển sẽ giúp thúc đẩy cả hai mảng xe điện và bất động sản. Tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn kỳ vọng mảng xe điện sẽ có lãi khi bán được nhiều bất động sản.
Theo phân tích của Wall Street Journal, China Evergrande còn sử dụng startup ôtô điện để tiếp cận nguồn đất công. Tập đoàn này cam kết xây nhà máy ôtô điện 2,7 tỷ USD tại thị trấn Nam Thông gần Thượng Hải hồi năm 2019 để lấy được diện tích đất khổng lồ tại đây. Đến nay, nhà máy này vẫn chưa được xây.
China Evergrande đang nợ 300 tỷ USD. Công ty tính bán Evergrande NEV cho Xiaomi nhưng không thành công. Ảnh: Reuters.
|
China Evergrande còn dùng startup ôtô điện làm phương tiện huy động vốn cho cả tập đoàn. Dù vậy, đến tháng 9 này, giá cổ phiếu của Evergrande NEV đã giảm tới 92% so với mức đỉnh hồi tháng 4. China Evergrande tính bán Evergrande NEV cho Xiaomi nhưng bất thành.
“Chẳng ai muốn giơ tay không bắt lấy con dao đang rơi xuống đất”, nhà kinh tế Bo Zhuang của hãng Loomis Sayles so sánh một cách đầy hình ảnh.
Evergrande NEV chỉ là một trong số hàng loạt dự án kinh doanh ngoài ngành đầy tốn kém của China Evergrande. Tập đoàn bất động sản của tỷ phú Hứa Gia Ấn còn đầu tư vào sản xuất nước đóng chai, âm nhạc, câu lạc bộ bóng đá Quảng Châu FC… Tất cả đều thất bại hoặc lỗ nặng.
Fortune dẫn lời một số chuyên gia tài chính cho biết những khoản đầu tư sai lầm này không chiếm tỷ lệ đáng kể trong khối nợ 300 tỷ USD của China Evergrande. Phần lớn đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản của tập đoàn.
Tuy nhiên, việc China Evergrande thất bại trong việc đa dạng hóa kinh doanh là một lời cảnh báo đối với mọi nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.
Không dễ đa dạng hóa kinh doanh
Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới. Bất động sản vừa là nơi ở, vừa là nguồn tạo ra 70% của cải của các hộ gia đình. Tuy nhiên, nạn đầu cơ ồ ạt khiến giá nhà tăng vọt và đẩy nhiều người dân ra khỏi thị trường.
Thời gian qua, chính quyền Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp để kiềm chế giá nhà. Bắc Kinh cấm ngân hàng cấp vốn cho những doanh nghiệp vi phạm một trong ba “lằn ranh đỏ” về tài chính. Do đó, các công ty bất động sản đối mặt tình trạng chi phí tăng cao và lợi nhuận giảm.
“15 năm trước, chính phủ Trung Quốc coi bất động sản là cột trụ của tăng trưởng kinh tế”, Fortune dẫn lời phó giáo sư Zoe Yang của Đại học Hong Kong Trung Quốc cho biết. “Tuy nhiên, giá nhà tăng quá cao, do đó Bắc Kinh buộc phải áp dụng các biện pháp hạ nhiệt thị trường”.
Để giảm rủi ro, các công ty bất động sản Trung Quốc phải tìm cách đa dạng hóa kinh doanh, nhưng cần tránh những nước cờ sai lầm như cách China Evergrande thất bại với Evergrande NEV.
China Evergrande không phải là tập đoàn bất động sản duy nhất ở Trung Quốc tìm cách đa dạng hóa đầu tư. Năm 2012, Wanda Group - khi đó là công ty địa ốc thương mại lớn nhất Trung Quốc - mua lại chuỗi rạp chiếu phim Mỹ AMC với giá 2,6 tỷ USD.
Tập đoàn Wanda cũng từng nỗ lực đa dạng hóa kinh doanh và thất bại. Ảnh: Asia Financial.
|
Năm 2016, Wanda thâu tóm hãng sản xuất phim Legendary Entertainment với giá 3,5 tỷ USD.
Năm 2014, China Vanke - một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc - bắt đầu mở rộng đầu tư ngoài ngành. Công ty này lao vào lĩnh vực logistics và kho bãi sau khi các lãnh đạo cảnh báo ngành bất động sản có thể suy giảm.
Tuy nhiên, các nỗ lực đa dạng hóa này đều vấp phải những thử thách lớn. Chiến lược mở rộng ra thị trường bất động sản và điện ảnh nước ngoài của Wanda thất bại khi chính quyền Trung Quốc cáo buộc công ty này chuyển vốn ra nước ngoài. Wanda buộc phải bán các tài sản ở nước ngoài hồi năm 2017. Hậu quả là tài sản của doanh nhân Wang Jianlin - ông chủ Wanda - bay hơi 32 tỷ USD.
Việc Vanke chuyển hướng sang quản lý bất động sản có vẻ là phương pháp ổn định hơn dù lợi nhuận từ mảng này thấp hơn nhiều so với bán bất động sản. Vanke đang tính niêm yết công ty quản lý bất động sản tại Hong Kong và đặt mục tiêu huy động được 2 tỷ USD.
Về phần China Evergrande, phần lớn chuyên gia quốc tế cho rằng công ty này sẽ vỡ nợ. Có khả năng việc China Evergrande sụp đổ sẽ gây ảnh hưởng lớn lên hệ thống tài chính Trung Quốc và cả nước ngoài.
Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng lan rộng, nhưng vẫn sẽ để cho China Evergrande sụp đổ. Đây cũng sẽ là lời cảnh báo với các công ty bất động sản Trung Quốc rằng đừng nên vay nợ ồ ạt.
Minh Phụng