Vietstock - Các quỹ Nhà nước Trung Quốc đang ra tay giải cứu thị trường?
Lần đầu tiên kể từ năm 2015, quỹ quản lý tài sản quốc gia Huijin mua mạnh cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc. Sau động thái này, giới đầu tư cho rằng Trung Quốc đang ra sức vực dậy thị trường chứng khoán nước nhà.
Central Huijin Investment - quỹ đầu tư thuộc sở hữu Nhà nước - đã mua 65 triệu cp của Bank of China, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB), và Ngân hàng công nghiệp và thương mại Trung Quốc (ICBC), theo hồ sơ công bố trong ngày 11/10. Huijin - một quỹ trực thuộc tập đoàn China Investment trị giá 1,400 tỷ đô - lên kế hoạch mua thêm cổ phiếu trong 6 tháng tới.
Sau thông tin trên, chỉ số CSI 300 tăng 0.7% trong ngày 12/10, với sự dẫn dắt của nhóm tài chính.
Trong bối cảnh cổ phiếu rớt giá không phanh, nhiều chuyên gia kinh tế và quỹ đầu cơ kêu gọi Chính phủ Trung Quốc trực tiếp can thiệp bằng quỹ đầu tư quốc gia để ổn định thị trường chứng khoán. Kể từ cú sập năm 2015, Trung Quốc vẫn chưa sử dụng tới phương án này.
Các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đang lo ngại về tình hình kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản và áp lực giảm phát đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2023.
Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy thị trường cổ phiếu, nhưng vẫn không thể ngăn cản làn sóng bán tháo. Chỉ số CSI 300 giảm xuống đáy 11 tháng trong ngày 11/10. So với mức đỉnh xác lập vào năm 2021, chỉ số này đã giảm tới 37%.
Trong những tháng gần đây, các quan chức đã ghìm cương nhịp độ thực hiện IPO, kêu gọi các cổ đông lớn không bán cổ phiếu, giảm phí giao dịch cổ phiếu và nới lỏng quy định về giao dịch ký quỹ (margin).
Đợt mua của Huijin có lẽ chẳng thấm vào đâu, nhưng nó khá tương tự với những nỗ lực đã thực hiện trong lần lao dốc của thị trường cổ phiếu cách đây 8 năm. Để củng cố cho nỗ lực này, các động thái can thiệp của Huijin đều được đăng lên trang nhất của các tờ báo tài chính hàng đầu của Trung Quốc, với nhận định “động thái này sẽ thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư”.
“Các khoản đầu tư mang tính biểu tượng của Huijin (dù còn khiêm tốn) nhắm tới việc hỗ trợ giá cổ phiếu”, Redmond Wong, Chiến lược gia thị trường tại Saxo Capital Markets ở Hồng Kông, viết trong một báo cáo. “Động thái này gợi nhớ lại những nỗ lực của Trung Quốc trong cú sụp năm 2015 và thể hiện cho mong muốn bình ổn thị trường của Chính phủ”.
Chỉ số tài chính thuộc CSI 300 tăng 1.2%. Cổ phiếu CCB tiến 2.2%, còn ICBC cộng 1.9%. Huijin đang nắm giữ cổ phần tại 19 định chế tài chính Trung Quốc, bao gồm các ngân hàng và công ty môi giới chứng khoán, theo thông tin trên website công ty.
Trong quá khứ, quỹ quản lý tài sản quốc gia này nhiều lần can thiệp trong những giai đoạn biến động cực độ. Họ “gom” cổ phiếu sau khi bong bóng tài sản phát nổ trong năm 2008 và 2015. Lần này, nhà đầu tư không lo ngại về định giá cổ phiếu mà lo về triển vọng của nền kinh tế và khả năng tung chính sách hỗ trợ của Trung Quốc. Điều này có nghĩa các đợt can thiệp có tác động hạn chế tới thị trường.
“Việc Huijin mua mạnh cổ phiếu của 4 ngân hàng top đầu gợi nhớ lại cảm giác của năm 2008 và năm 2015”, Willer Chen, Chuyên viên phân tích cấp cao tại Forsyth Barr Asia, chia sẻ. Tuy nhiên, ông cho rằng đây không phải là “yếu tố làm thay đổi cuộc chơi”.
“Các yếu tố vĩ mô cơ bản của Trung Quốc mới là chìa khóa để thị trường chứng khoán tạo đáy trong môi trường hiện tại”, Chen chia sẻ.
Lịch sử cho thấy các đợt can thiệp trước đây chỉ tạo ra sự giải tỏa tâm lý trong ngắn hạn. Hồi năm 2015, CSI 300 tăng trong thời gian ngắn, rồi quay đầu giảm tới 20% trong vài tháng sau đó.
Cổ phiếu của các ngân hàng Trung Quốc đã cực kỳ rẻ sau đợt bán tháo. Cổ phiếu của ICBC niêm yết trên sàn Hồng Kông đang có P/B 0.4 lần, gần mức thấp kỷ lục, trong khi giá cổ phiếu thấp hơn 30% so với mức giá IPO hồi năm 2006.
Hao Hong, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Grow Investment Group, chia sẻ với mức giá hiện tại, Huijin khó lòng thua lỗ.
“Các cổ phiếu ngân hàng đang dao động gần mức định giá thấp kỷ lục, với tỷ suất cổ tức khá tốt 10%”, ông nói. “Trong môi trường lãi suất cực thấp và trái phiếu Chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm chỉ mang lại lợi suất dưới 3%, mua cổ phiếu ngân hàng nhiều khả năng sẽ có lãi”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)