Vietstock - Các hãng hàng không Trung Quốc tung ra gói vé 'bay thỏa thích' để thu hút hành khách
Nhu cầu du lịch hàng không tại Trung Quốc đã hồi phục phần nào, nhưng các hãng hàng không đang dần dần dấn sâu vào cuộc chiến tranh giành hành khách bằng các gói vé “bay thỏa thích”.
Shi (31 tuổi) – cư dân tại Thượng Hải – đã đến hơn 10 thành phố chỉ bằng một tấm vé duy nhất có giá 3,322 nhân dân tệ (480 USD) từ hãng China Eastern Airlines. Tấm vé này cho phép hành khách đi máy bay không giới hạn vào những ngày cuối tuần.
Cầm trong tay danh sách những nơi cần đế, ông Shi gạch hai cái tên Nội Mông và Cam Túc. “Còn quá nhiều nơi mà tôi muốn đến”, Shi nói.
Tính tới giữa tháng 8/2020, khoảng 10 hãng hàng không cung cấp dịch vụ này, trong đó có cả hãng hàng không có dịch vụ đầy đủ và hãng hàng không giá rẻ.
Những tấm vé “bay thỏa thích” là một canh bạc lớn kể từ khi hãng hàng không này đã loại bỏ các cơ hội để tăng trưởng lợi nhuận, theo nguồn tin tại một hãng hàng không Nhật Bản. Thông thường, giá vé được điều chỉnh liên tục dựa trên nhu cầu theo hướng tối đa hóa doanh thu.
Nếu hãng hàng không khỏa lấp đầy máy bay bằng những khách hàng theo gói “bay thỏa thích” thì Công ty sẽ bỏ lỡ cơ hội bán vé ở mức cao hơn. Trong kế hoạch để có thanh khoản nhanh chóng, American Airlines từng cung cấp gói vé bay hạng nhất không giới hạn cho hành khách. Thế nhưng, kế hoạch này khiến American Airlines lỗ trong dài hạn.
Mặc dù các hãng hàng không Trung Quốc nhận thấy rủi ro lỗ, nhưng nỗi lo bị bỏ lại đằng sau trong cuộc chạy đua với các đối thủ đã lấn át tất cả. Số lượng hành khách đi máy bay đã phục hồi trở lại đối với thị trường nội địa, nhưng các điều kiện vẫn còn dễ bị thay đổi. Các hãng hàng không sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để giành khách hàng.
“Chiến lược là trước tiên phải giành lượng hành khách, sau đó mới đến tỷ lệ chỗ bán được, và rồi cuối cùng mới đến giá cả”, hãng chứng khoán Changjiang Securities nhận định.
Cuối tháng 7/2020, giá đối với vé bay quốc tế cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ, theo Industrial Securities. Các giới hạn đi lại đã khiến nguồn cung chuyến bay trở nên khan hiếm.
Mặt khác, giá của chuyến bay nội địa đã giảm gần 20% so với cùng kỳ. Shi nằm trong một vài hành khách đã tận dụng tối đa gói “bay thỏa thích” khi nhu cầu đi lại vẫn còn yếu ớt.
Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, sự xuất hiện của loại vé bay không giới hạn chỉ có thể châm ngòi cho cuộc đua xuống đáy (a race to the bottom).
Tuy nhiên, không phải tất cả các hãng hàng không đều áp dụng chiến lược này. Hãng hàng không hàng đầu của Trung Quốc, Air China vẫn chưa cung cấp các gói vé “bay thỏa thích”.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)