Vietstock - Đề xuất dùng ngân sách TPHCM để chống ngập sân bay
Trung tâm điều hành chống ngập TPHCM vừa kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách thành phố để giúp thoát nước chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất và lưu vực dọc hai bên kênh Hy Vọng, quận Tân Bình.
Theo thông tin từ trung tâm chống ngập thành phố, dự án cải tạo kênh Hy Vọng để giải quyết ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất với chiều dài khoảng 1.860 mét, kinh phí thực hiện 488 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khá lớn chiếm gần 280 tỉ đồng.
Hồi tháng 5-2016 UBND thành phố đã phê duyệt dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TPHCM, sử dụng vốn ODA Ngân hàng Thế giới tài trợ, trong đó có hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng nói trên. Đến nay, dự án đã hoàn thành thiết kế cơ sở, đánh giá tác động môi trường, khảo sát điều tra về bồi thường giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, vào tháng 6-2017, UBND thành phố có thông báo về việc kết thúc đầu tư dự án quản lý rủi ro ngập nước thành phố bằng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới. Do vậy, nguồn đầu tư cải tạo kênh Hy Vọng cần phải bố trí nguồn vốn khác để tiếp tục thực hiện.
"Nhận thấy việc cải tạo kênh Hy Vọng để giải quyết thoát nước, chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất và lưu vực hai bên kênh thuộc quận Tân Bình là rất cấp bách ...", trung tâm chống ngập nêu thực trạng tại một văn bản gởi UBND thành phố mới đây.
Theo đó, trung tâm chống ngập kiến nghị UBND thành phố chấp thuận chủ trương tiếp tục đầu tư cải tạo kênh Hy Vọng bằng ngân sách thành phố.
Thời gian gần đây, trước tình trạng mưa lớn gây ngập trong sân bay Tân Sơn Nhất làm ảnh hưởng đến các chuyến bay, lãnh đạo sân bay Tân Sơn Nhất từng cho rằng phải giải quyết được việc lấn chiếm làm tắc nghẽn các kênh thoát nước xung quanh sân bay, đặc biệt là phải xây cống hộp thì mới giải quyết được ngập.
Đáng chú ý là trận mưa lớn vào chiều tối ngày 26-8-2016 đã làm các bãi đỗ từ số 51 đến 56, 10 đến số 14, 24 và 25 bị ngập nước sâu từ 30 đến 50 cm. Đường lăn M1 cũng bị hạn chế khai thác, nhiều chuyến bay không thể hạ cánh được và phải chuyển đến các sân bay lân cận.
Trong đó, Vietnam Airlines có 22 chuyến bay bị chậm giờ, 6 chuyến phải hạ cánh ở sân bay lân cận; Jetstar Pacific có 4 chuyến bay bị chậm, 2 chuyến bay hủy, 4 chuyến chuyển hướng đến sân bay khác; Vietjet có 18 chuyến bay chậm, 4 chuyến bay chuyển hướng đến các sân bay khác; Vasco có 1 chuyến bay bị chậm.
Ngoài các chuyến bay nội địa còn có 4 chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế đến Tân Sơn Nhất phải chuyển hướng sang sân bay Bangkok và Phnom Penh lúc mưa to.
Theo đại diện trung tâm chống ngập, hiện khu vực sân bay có 3 hướng thoát nước chính: hướng Bắc thoát về kênh Hy Vọng – Tham Lương thuộc quận Tân Bình; hướng Nam thoát về mương A41 hiện từng bị lấn chiếm nghiêm trọng khiến lòng mương bị bóp méo nên hạn chế thoát nước (mương này có hai nhánh thoát từ sân bay đến đường Cộng Hòa – Út Tịch ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hiện chưa đảm bảo); hướng Đông Nam từ sân bay thoát về mương Nhật Bản từ tường rào sân bay đến công viên Gia Định dự kiến cuối tháng 9 hoàn thiện.