Vietstock - Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM
Tp.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng; là trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế; trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hoá, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực.
Nội dung này được nêu ra tại hội nghị về điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ngày 25/7/2017.
Trước đó, Quy hoạch vùng Tp.HCM được phê duyệt năm 2008. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM. Theo đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam phối hợp với Công ty tư vấn của Đức triển khai.
Theo dự thảo đồ án Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi vùng Tp.HCM gồm toàn bộ ranh giới hành chính Tp.HCM và 7 tỉnh xung quanh, gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang với tổng diện tích khu vực quy hoạch khoảng 30.404km2.
Vùng Tp.HCM được phân làm 4 tiểu vùng và các trục hành lang kinh tế trọng điểm. Cụ thể, tiểu vùng đô thị trung tâm bao gồm Tp.HCM và vùng phụ cận của các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Tp.HCM là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng; Tp.Bình Dương là đô thị động lực phía bắc, Tp.Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông...
Tiểu vùng đô thị trung tâm có tốc độ và tỉ lệ đô thị hoá cao; nổi bật với các thế mạnh về công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu, đào tạo, y tế, đầu mối giao thương kết nối với quốc tế.
Đề án xác định, Tp.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển. Là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia; trung tâm văn hoá, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực. Đồng thời là trung tâm du lịch, tài chính-thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế.
Khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ, tài chính gắn với các trung tâm đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm...
Khu vực phía Tây tỉnh Đồng Nai (Biên Hòa, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành) phát triển kinh tế tổng hợp về dịch vụ, công nghiệp đa ngành, công nghệ cao.
Khu vực phía đông tỉnh Long An (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc) phát triển đô thị sinh thái, công nghiệp nhẹ và nông nghiệp đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò bảo vệ cảnh quan sinh thái và thoát lũ cho tiểu vùng đô thị trung tâm.
Tăng cường phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch, công nghiệp đa ngành, công nghiệp chế biến nông sản; nông nghiệp công nghệ cao gắn với trung tâm giáo dục đào tạo, thương mại dịch vụ, trung chuyển hàng hóa nhằm giảm tải cho Tp.HCM.
Để tăng tính hiệu quả và khả thi của quy hoạch vùng, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tp.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các ngành trong vùng tập trung thảo luận về cơ chế phối hợp, cơ quan quản lý phát triển vùng. Phải có cơ quan điều phối, vì yêu cầu của vùng là phối hợp tạo ra hiệu quả phát triển vùng.
Các bộ ngành Trung ương cần hỗ trợ hành lang pháp lý để thực hiện quy hoạch, bởi nếu không có hành lang pháp lý thực hiện thì quy hoạch sẽ khó đi vào thực tế. Đồng thời cần có cơ chế hợp tác trong vùng kết nối hạ tầng về giao thông, xây dựng cơ sở giáo dục đại học, xử lý rác liên vùng...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, vùng Tp.HCM có dân số gần 19 triệu người, chiếm 21% dân số cả nước. Dự báo vùng Tp.HCM đóng góp khoảng 41,8% GDP, 51,04% kim ngạch xuất khẩu cả nước và 59,57% tổng thu ngân sách quốc gia. Đây còn là vùng động lực quan trọng nhất của cả nước.
Do vậy, vùng Tp.HCM phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí để đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội cả nước và phía Nam có ý nghĩa quan trọng. Việc điều chỉnh quy hoạch vùng nhằm khai thác hết tiềm năng lợi thế, kết nối hạ tầng kinh tế xã hội nói chung, đặc biệt về giao thông. Sự phân công, hợp tác các địa phương trong vùng có ý nghĩa quan trọng để vùng phát triển.
Phó Thủ tướng yêu cầu, đề án cần nhấn mạnh tầm quan trọng và cơ hội của các tiểu vùng; dự báo các nguy cơ của việc tập trung dân số, phát triển chênh lệch giữa các vùng; tác động của thiên nhiên bất thường và đưa ra các khuyến nghị. Đồng thời làm rõ hơn yếu tố kết nối hạ tầng giao thông; xác định các dự án ưu tiên...