Vietstock - Ông Hoàng Thạch Lân: Nếu đầu tư, không việc gì phải vội bán những cổ phiếu cơ bản tốt
Theo ông Hoàng Thạch Lân - Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), sóng báo cáo tài chính (BCTC) sẽ còn kéo dài đến cuối tháng 7 này và nếu đầu tư, không việc gì phải vội bán những cổ phiếu cơ bản tốt, trừ khi nó đã tăng giá quá nhanh khiến các chỉ số định giá trở nên quá cao so với mặt bằng chung.
|
Hai tháng vừa qua chỉ số đã bật tăng mạnh mẽ ngoài dự đoán và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ông dự báo, thị trường trong tháng 7 này sẽ biến động như thế nào và do yếu tố nào chi phối?
Hoàng Thạch Lân: Tôi cho rằng thị trường tiếp tục tăng, và động lực chủ yếu đến từ BCTC của các công ty niêm yết hàng đầu. Thường càng về cuối tháng 7, sẽ có càng nhiều công ty lớn công bố BCTC, vì cần thời gian để hợp nhất, do đó sóng BCTC sẽ còn kéo dài đến cuối tháng này. Tất nhiên là cũng có không ít ông lớn gặp khó khăn khiến tăng trưởng bị suy giảm, hay thậm chí thua lỗ, nhưng số này vẫn ít hơn số có kết quả tốt.
Theo ông, đâu là rủi ro lớn nhất mà thị trường có thể đối mặt trong tháng 7 này?
Tôi nghĩ là rủi ro của thị trường đến từ thế giới bên ngoài. Giá dầu và 1 số nguyên vật liệu khác đang giảm hoặc biến động bấp bênh, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất (đầu vào) lẫn kinh doanh (đầu ra) của doanh nghiệp trong nước. Các chính sách bảo hộ qua hàng rào kỹ thuật đang được dựng lên nhiều hơn, cũng như biến động kinh tế, chính trị ở 1 số khu vực cũng đang tác động lên tỷ giá và qua đó ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu.
Dường như việc Fed tăng lãi suất lần 2 trong năm không có sức ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại đang đổ vào thị trường, ông có thể cho biết lý do tại sao và xu hướng trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sức hấp dẫn, nếu nhìn ở khía cạnh thoái vốn Nhà nước. Tỷ lệ vốn Nhà nước ở các công ty niêm yết lớn, bao gồm cả sàn UPCoM còn khá cao. Ngoài ra, còn 1 lượng công ty lớn, tập đoàn lớn cần cổ phần hóa (và ngay sau đó là lên sàn). Những công ty này luôn có những ưu thế tự nhiên (về thị trường, thị phần…) hoặc thậm chí độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh của mình, do đó hấp dẫn các quỹ đầu tư giá trị lẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn khai thác thị trường Việt Nam.
Giá cổ phiếu, nhất là giá IPO cũng không hẳn cao như trước đây, bởi vì Nhà nước chịu áp lực thoái vốn nhiều hơn áp lực cạnh tranh đấu giá ở phía người mua. Khối ngoại đã mua ròng miệt mài 6 tháng đầu năm, và tôi nghĩ xu hướng này vẫn còn tiếp diễn trong nửa cuối năm nay.
Điều mà nhà đầu tư quan tâm lúc này là nên chốt lời hay tiếp tục mua vào cổ phiếu. Lời khuyên của ông dành cho nhà đầu tư là gì và nếu mua thì nên chọn lựa nhóm cổ phiếu nào?
Nếu đầu tư, không việc gì phải vội bán những cổ phiếu cơ bản tốt, trừ phi nó đã tăng giá quá nhanh khiến các chỉ số định giá trở nên quá cao so với mặt bằng chung. Thực tế nhóm cổ phiếu này cũng không nhiều.
Ngoài ra, lúc này đang là kỳ công bố thông tin về BCTC quý 2 và 6 tháng đầu năm 2017, nếu bán có thể sẽ bị mất chi phí cơ hội khi công ty ra tin tốt. Các nhóm đang có kỳ vọng kết quả quý 2 tốt đẹp là ngân hàng, chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng, công nghệ, viễn thông, thủy điện, BĐS công nghiệp, sơ sợi, may mặc, du lịch…
BĐS nhà ở cũng rất đáng chú ý, nhưng phải biết chọn lọc hàng vì nó liên quan đến điểm rơi doanh thu và lợi nhuận, tức là doanh nghiệp ngành này chỉ được phép ghi nhận doanh thu và lợi nhuận khi bàn giao nhà. Dầu khí, mía đường, cao su là những ngành đang chịu tác động từ giá thế giới bên ngoài, tuy nhiên cũng có thể xem xét vài mã nếu giá đã suy giảm đủ sâu và các chỉ số định giá đủ thấp.