Vietstock - Xây dựng đường sắt cao tốc, lợi ích nhiều hơn rủi ro
Tại sao kinh tế Trung Quốc phát triển mạnh mẽ trong quá khứ? Đó là nhờ đầu tư (một cấu thành của GDP), đặc biệt là cho cơ sở hạ tầng, không ngừng nghỉ...
Đà tăng trưởng xuất khẩu và làn sóng FDI đầu tư đã đem lại cho nhà nước xứ tỉ dân nguồn thu và tích lũy lớn. Vốn tích lũy đó lại bắt đầu mở rộng đầu tư vào hạ tầng giao thông và những nơi chưa phát triển để thúc đẩy kinh tế đất nước đi lên. Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh vào hạ tầng để tạo ra tăng trưởng cho nền kinh tế, đồng thời cũng là cơ hội để hiện đại hóa nền kinh tế.
Thông qua việc đầu tư liên tục vào xây dựng đường bộ và đường sắt, Trung Quốc đã đầu tư vào nội địa, tạo ra việc làm và các thị trường. Chiến lược này đã thành công đến nỗi chính quyền xứ tỉ dân đã tăng đầu tư hạ tầng rất mạnh trong nhiều năm và thông qua gần như mọi dự án, cho các công ty xây dựng vay hàng tỷ USD. Đường sắt, cao tốc, nhà trọc trời, sân bay được xây dựng với tốc độ “siêu nhanh”. Tính trong năm 2016, tổng đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc lên tới 24% GDP (11.23 ngàn tỷ USD).
Việt Nam cũng không ngoại lệ. Vốn FDI đổ vào nền kinh tế ngày càng nhiều và thặng dư thương mại với các đối tác, đặc biệt là với Mỹ, tăng lên rất nhanh trong thời gian qua. Thậm chí có một số chuyên gia dự báo rằng, thặng dư của Việt Nam với Mỹ năm 2024 có thể vượt xa con số 100 tỷ USD, sau khi số liệu quý 3 được công bố. Ngoài ra, cùng với việc quản lý tài chính tốt thời gian qua (tỷ lệ nợ công ở mức 37% so với GDP), Việt Nam có vốn tích lũy và dư địa vay vốn từ quốc tế, để chi tiêu, đầu tư kích thích tăng trưởng...
Tìm động lực tăng trưởng từ đầu tư nội địa là điều rất cần thiết, mỗi quốc gia đều phải tự cường, bên cạnh việc gọi vốn từ đầu tư nước ngoài. 67 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc có lẽ chỉ mới là khởi đầu, con số có thể tăng lên. Thế nhưng, đừng vì con số đó mà bị choáng ngợp, bởi mức đầu tư đó cũng chỉ mới bằng 15.5% GDP của Việt Nam 2023 (430 tỷ USD), so với mức trên 20% GDP của Trung Quốc 8 năm trước.
Chứng khoán Yuanta cũng đã đưa ra dự báo sơ khởi về các ngành có thể hưởng lợi nhờ dự án đường sắt, có thể kể đến như thép, vật liệu xây dựng, các nhà thầu, điện, ngân hàng và bất động sản.
Ngoài những lợi ích có thể đạt được tương tự Trung Quốc, thông qua việc gia tăng xây dựng cơ sở hạ tầng, việc tìm nguồn cho dự án cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển các kênh huy động vốn, tích lũy kinh nghiệm về tài chính.
Việc chính quyền các nước phát hành trái phiếu để xây dựng các công trình đường sắt là điều không lạ trên thế giới, nhất là trong bối cảnh đường sắt được cho là cách để giảm phát thải và sẽ được ưu tiên cho vay. Theo số liệu của ngân hàng Barclays, được tờ FT của Anh trích dẫn, 60% vốn huy động từ trái phiếu bền vững (trong con số 500 tỷ USD trái phiếu được chính phủ các nước phát hành) là phân bổ cho các dự án đường sắt. Cụ thể hơn, các nước như Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Chile sử dụng 90-100% vốn huy động được cho phát triển đường sắt. Trong bối cảnh, Việt Nam đang mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc cũng là cách để gọi được nguồn vốn từ quốc tế.
Tỷ trọng phân bổ vốn cho các ngành từ 23 trái phiếu bền vững do các chính phủ phát hành
|
Ngoài ra, nguồn huy động lớn khác cho xây dựng đường sắt nằm ở thị trường vốn trong nước. Điều cần làm bây giờ là phải phổ biến hoàn thiện, nâng tính minh bạch để giúp gia tăng uy tín của thị trường vốn, cổ phiếu và trái phiếu trong mắt người dân.
Cũng sẽ có những ý kiến nói cần phải đánh giá hiệu quả đầu tư của dự án, nhưng sách tài chính Mỹ cũng có dạy: khi bạn xây dựng một cây cầu, NPV (giá trị hiện tại thuần) có thể âm, nhưng nếu dự án đó mang lại lợi ích cho cả vùng thì dự án vẫn là khả thi. Nhiều quốc gia chịu gánh nặng nợ với các công trình xây dựng hạ tầng đa phần là vì quản trị tài chính yếu kém chứ không phải là vì đó là một kế hoạch tồi.
Dù vậy, các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra những điểm yếu của cách thức đẩy mạnh hạ tầng nhằm kích thích tăng trưởng của Trung Quốc: đó là sự không bền vững, với những thành phố ma và những công trình kém chất lượng. Đó là bài học mà Việt Nam cần rút ra, để đưa ra và thực hiện các dự án có lợi ích kinh tế trong dài hạn.
Quỳnh Như