Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1 (HM:HT1)) vừa báo lỗ quỹ thứ 4 trong 5 quý gần nhất. Ông lớn cấp xi măng cho dự án sân bay Long Thành chưa thể thoát khỏi khó khăn trong hơn một năm trở lại đây. Như đã thông tin, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã HT1 - HoSE) mới đây công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 với doanh thu gần 1.500 tỷ đồng - giảm 200 tỷ so với cùng kỳ năm trước (YoY). Chi phí hoạt động vẫn ở mức cao với gần 127 tỷ đồng khiến HT1 tiếp tục lỗ sau thuế 24,7 tỷ (quý I/2023 lỗ 85,6 tỷ đồng).
Đây đã là quý lỗ thứ 4 trong 5 quý gần nhất của công ty.
Trước đó, kết thúc năm 2023, nhiều doanh nghiệp xi măng báo lợi nhuận sụt giảm mạnh,thậm chí ghi nhận lỗ dù suốt giai đoạn trước đó liên tục có lãi. Ông lớn đầu ngành - Xi măng Vicem Hà Tiên cũng chỉ lãi vỏn vẹn 18 tỷ đồng - giảm 93% so với năm trước đó và đều không đạt kế hoạch đã đề ra. Phía HT1 cho biết, ngành xi măng Việt Nam vừa trải qua năm 2023 khó khăn chưa từng có trong lịch sử.
Tại ĐHCĐ thường niên vừa kết thúc, Tổng Giám đốc Lưu Đình Cường khẳng định năm nay doanh nghiệp sẽ vượt kế hoạch lãi 29 tỷ đồng đã đề ra bởi "kế hoạch trên được xây dựng với dự kiến quý I lỗ 50 tỷ đồng".
Quang cảnh ĐHCĐ HT1 |
Nói về thời điểm ngành xi măng đảo chiều, ông Cường nói đây là vấn đề vĩ mô nên không thể dự báo trước, chu kỳ kinh doanh mới phụ thuộc vào điều kiện vĩ mô thế giới và các chỉ đạo của Nhà nước. Hiện Bộ Xây dựng tâm huyết làm cao tốc trên cao tại miền Nam, nếu được đi vào triển khai thì nhu cầu xi măng sẽ tăng mạnh mẽ và Vicem Hà Tiên sẽ hưởng lợi lớn.
Chia sẻ về việc bán hàng vào siêu dự án sân bay Long Thành, ông Cường thông tin, Vicem Hà Tiên ước tính đã bán 60.000 tấn vào dự án này. Đây mới là giai đoạn đầu của dự án. Dự toán tổng khối lượng xi măng cho cả vòng đời dự án là 850-900.000 tấn.
"Với các gói thầu lớn ở phía Nam, Vicem Hà Tiên thường cung cấp 50-100% xi măng các dự án. Nếu tính tỷ lệ thấp nhất 50% thì sản lượng cung cấp cho Long Thành cũng 450.000 tấn", ông Cường ước tính sơ bộ.
Tuy nhiên, việc cung cấp xi măng cho dự án sân bay Long Thành không chỉ có Vicem Hà Tiên mà còn có sự cạnh tranh của các đơn vị khác. Công ty vẫn có sản lượng nhưng giá bán “rất chua chát” khi chỉ nhỉnh hơn chút so với giá thành song vẫn phải cung cấp vì vấn đề thương hiệu. Công ty cũng muốn đẩy sản lượng để nhà máy hoạt động liên tục, giảm chi phí cố định.
>> Thê thảm KQKD quý I/2024 của Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1): Niềm đau x4