Vietstock - Vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn của thị trường bất động sản
Theo HoREA “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp chủ đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở.
70% vướng mắc liên quan tới pháp lý
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, rất hoan nghênh cuộc họp của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì vào sáng 11/03.
70% vướng mắc của thị trường bất động sản liên quan tới pháp lý. |
Theo ông Châu, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để rà soát đánh giá kết quả đã đạt được trong hơn 1 năm qua, chỉ ra được các bất cập, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; thống nhất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của các địa phương và việc phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024, nhất là trong bối cảnh sau khi các Luật mới vừa được ban hành để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Hiệp hội trước đó nhận định “vướng mắc pháp lý” là vướng mắc lớn nhất, chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp chủ đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở.
Việc Chính phủ thành lập Tổ Công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp là “rất kịp thời, hoạt động hiệu quả và đã đạt được nhiều kết quả tích cực”. Từ đó, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã thành lập “Tổ công tác của địa phương” phối hợp chặt chẽ với “Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ” và cấp có thẩm quyền để nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Châu cũng cho biết thời gian qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt tháo gỡ ngay các vướng mắc của các văn bản dưới Luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, như: Ban hành Nghị định 10/2023/NĐ-CP bước đầu tạo điều kiện để cấp “sổ hồng” cho khoảng 100.000 căn hộ du lịch (condotel); hoặc Nghị định số 12/2023/NĐ-CP về cơ bản tháo gỡ được “vướng mắc” trong công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở thương mại. Qua đó, giúp cho hàng trăm ngàn người mua nhà sớm được cấp “sổ hồng”;
Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại được cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay thương mại thông thường để hỗ trợ chủ đầu tư, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư…
Loạt kiến nghị gỡ vướng
Tuy nhiên theo Chủ tịch HoREA, một số “bất cập, vướng mắc” của các dự án bất động sản, nhà ở là do một số quy định của Luật. Đơn cử như vướng mắc tại khoản 1, khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 và điểm b khoản 1, khoản 6 Điều 127 Luật Đất đai 2024 quy định doanh nghiệp chỉ được “thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở”, hoặc “đang có quyền sử dụng đất ở” hoặc “đang có quyền sử dụng đất ở và đất khác” để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Hiệp hội rất hoan nghênh Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng dự thảo “Đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật” là rất cần thiết, có tính kế thừa, phù hợp với pháp luật và thực tiễn của Luật Đất đai 2013.
HoREA tiếp tục kiến nghị gỡ vướng cho thị trường bất động sản.
|
Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định các trường hợp được phép thí điểm này thì nhà đầu tư được phép “chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại”. Bởi lẽ điểm b khoản 3 Điều 122 Luật Đất đai 2024 chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đối với trường hợp nhà đầu tư đang “có quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác”, chưa quy định trường hợp nhà đầu tư đang “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở”.
Nếu được Quốc hội xem xét thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành.
Cũng theo Chủ tịch HoREA bên cạnh đó có một số “bất cập, vướng mắc” của các dự án bất động sản, nhà ở là do một số quy định của văn bản dưới luật, như: Liên quan tới thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” do điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định “việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch”.
Do đó, HoREA đề xuất sửa đổi điều này như sau: “Đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung. Trường hợp quy hoạch chi tiết chưa phù hợp quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì cho phép thực hiện việc chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở. Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh theo quy định của pháp luật trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và triển khai các bước tiếp theo của dự án”.
Ngoài ra, theo HoREA để tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, trong hơn 1 năm qua, nhiều địa phương trong đó có TPHCM đã cho phép chủ đầu tư được huy động vốn 50% sản phẩm của dự án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa xác định được tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có), mà nguyên nhân chủ yếu là do “vướng mắc” trong công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có).
Nay, Nghị định số 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất đã cơ bản tháo gỡ được nhiều “vướng mắc” trong công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có), nên Hiệp hội đề nghị các địa phương xem xét cho phép các chủ đầu tư được tiếp tục huy động vốn đối với 30-50% sản phẩm của dự án (còn lại) để giảm bớt khó khăn, nhưng vẫn phải bảo đảm phần giá trị tài sản của chủ đầu tư dự án đủ để hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có) với Nhà nước.
Tại cuộc họp tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng tổng kết thành những nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu có thể được giải quyết trong các luật sửa đổi, bổ sung về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản… vừa được thông qua, từ đó nghiên cứu phương án tham mưu, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành văn bản theo thẩm quyền cho phép áp dụng trước thời điểm luật có hiệu lực. |
Ninh Phan